Tăng cường phối hợp ngăn chặn bạo lực học đường

Bạo lực học đường đã và đang diễn ra phổ biến tại nhiều trường học, không chỉ gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn gây tâm lý lo lắng, bất an đối với học sinh và cha, mẹ học sinh; ảnh hưởng đến học tập cũng như quá trình phát triển nhân cách và tương lai sau này của học sinh. Vì vậy, cần có những giải pháp ngăn ngừa tình trạng nêu trên.

Thời gian gần đây, các vụ bạo lực học đường (BLHÐ) liên tục xảy ra và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Ðáng chú ý, các em còn có sự chuẩn bị trước về mặt tổ chức, thậm chí có cả người cầm đầu với sự giúp sức của các nhóm học sinh cá biệt, người ngoài. Phần lớn nạn nhân BLHÐ bị tổn thương về thể chất như: sưng mặt, sưng đầu và một số phần mềm trên cơ thể; gẫy tay, gẫy chân... Về mặt tinh thần, BLHÐ cũng để lại hậu quả rất lớn, thể hiện rõ nhất đối với học sinh bị BLHÐ là sự lo lắng, sợ hãi, uất ức, giảm tự tin, ám ảnh bởi những lời đe dọa, chế giễu, lúc nào cũng cảm giác không được an toàn, mất niềm tin vào bạn bè, ảnh hưởng kết quả học tập.

Báo cáo liên ngành của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ Công an, từ năm 2011 đến hết quý I-2018, cả nước xảy ra 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan cán bộ, nhà giáo và học sinh sinh viên, dẫn đến hậu quả, dư luận không tốt. Ðáng chú ý, một số vụ việc còn được đám đông hùa theo, "tán thưởng" rồi quay, tung clíp lên in-tơ-nét. Trong khi đó, báo cáo gần đây nhất của Tổ chức Phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em, Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ thì Việt Nam đứng thứ hai trong năm nước có số học sinh đã từng chứng kiến BLHÐ cao ở khu vực các nước châu Á.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý cũng như các nhà nghiên cứu, để hạn chế và đẩy lùi BLHÐ cần có sự kết nối chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Thạc sĩ Vũ Thị Cúc, Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) lý giải: BLHÐ đã được nhiều nhà nghiên cứu về tâm lý học đề cập, tất cả các ý kiến đều cho rằng thường xuất phát từ một số nguyên nhân phổ biến như mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm yêu đương, mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè. Do thiếu kỹ năng sống, kiểm soát cảm xúc còn kém, các em rất dễ có hành động bộc phát, cho nên bạo lực rất dễ xảy ra đối với các em ở tuổi này... Những thông tin này là một trong số các gợi ý quan trọng trong việc nhận diện các yếu tố tác động đến hành vi BLHÐ và lý giải sự tác động của kiểm soát xã hội thông qua quá trình tự kiểm soát của học sinh, cũng như những quy định xử phạt của nhà trường sẽ góp phần tìm kiếm những giải pháp có hiệu quả để hạn chế tình trạng nêu trên. Hiện nay, kỹ năng sống cũng đã được ngành giáo dục quan tâm, các trường học thường xuyên giảng dạy để nâng cao hiểu biết kỹ năng ứng xử và hạn chế BLHÐ cho học sinh. Cùng với đó, việc quy định thành một môn học bắt buộc trong trường học ngay từ bậc mầm non, cũng là một giải pháp góp phần hạn chế BLHÐ trong tương lai. Về phía gia đình, cách dạy con cần theo hướng không để các em tiếp xúc môi trường văn hóa bạo lực như các phim ảnh, trò chơi có tính chất bạo lực, tránh gây ra những tác động xấu. Và chính từ bản thân học sinh, cần nâng cao nhận thức, ý thức về hành động và những hậu quả của hành động bạo lực đó gây ra.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Nhung, Khoa Quản lý nhà nước về gia đình (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: Về mặt thể chế, pháp luật thì Nhà nước cũng đã ban hành rất nhiều văn bản luật và dưới luật tạo các hành lang pháp lý ngăn chặn BLHÐ... Tuy nhiên, thực tế các luật văn bản dưới luật này còn chưa được áp dụng nghiêm bởi nó tồn tại những bất cập, chưa đúng thực tế tình trạng BLHÐ như hiện nay. Vì vậy, ngành giáo dục cần tăng cường các giải pháp nâng cao nhận thức cho học sinh, đẩy mạnh sự tham gia của gia đình, nhà trường trong việc hạn chế tình trạng này. Bên cạnh đó, các trường cần tổ chức câu lạc bộ phòng, chống BLHÐ do chính các em học sinh làm chủ và thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, cô giáo; đưa nội dung phòng chống BLHÐ sinh hoạt hằng tuần bắt buộc; có thể kết hợp trong các buổi chào cờ đầu tuần hoặc sinh hoạt lớp. Ðồng thời, tăng cường tổ chức các buổi nói chuyện mời các chuyên gia tư vấn tâm lý đến trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó BLHÐ cho các em và duy trì hoạt động này thường xuyên như một buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh. Việc chủ động phối hợp các lực lượng liên quan phát động phong trào đấu tranh với các hành vi BLHÐ cũng cần được quan tâm, bất cứ khi nào, ở đâu có hành vi này xảy ra, các lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn và thông báo học sinh về nhà trường, gia đình để có biện pháp giải quyết góp phần hạn chế các vụ BLHÐ xảy ra…

Ninh Cơ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/39925302-tang-cuong-phoi-hop-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong.html