Tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn trong công tác lý lịch tư pháp

Đây là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm 'Đánh giá thực hiện 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp', do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21/12.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, kể từ khi được Quốc hội thông qua (tháng 6/2009), Luật Lý lịch Tư pháp (LLTP) đã từng bước khẳng định được vị trí quan trọng, tạo cơ sở pháp lý ở tầm văn bản luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác LLTP; đưa ra được quy trình, thủ tục cấp phiếu LLTP thuận lợi, dễ dàng cho người dân và chuẩn hóa được cơ chế phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương cũng như giữa Trung ương với địa phương.

“Có thể nói, 10 năm thi hành Luật LLTP đã thay đổi căn bản công tác LLTP ở cả Trung ương và địa phương, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách nhân đạo về hình sự của Việt Nam đối với người đã phạm tội, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; giúp quản lý nhà nước được đúng trong các lĩnh vực đòi hỏi thông tin LLTP”, Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: TH)

Theo đồng chí Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho biết, tính đến ngày 30/6/2020, các Sở Tư pháp đã nhận được hơn 3,8 triệu thông tin; gần 600 thông tin chứng tử, cải chính hộ tịch...Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu LLTP được thực hiện đúng mục đích, quy định, đảm bảo tính chính xác, đẩy đủ, thống nhất, an toàn thông tin LLTP.

Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp đã thụ lý hơn 3,8 triệu yêu cầu cấp phiếu LLTP, đã giải quyết hơn 3,7 triệu yêu cầu, bao gồm hơn 2,6 triệu phiếu LLTP số 1 và hơn 1 triệu yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2, trong đó có hơn 3,5 triệu phiếu LLTP được giải quyết đúng thời hạn (đạt tỷ lệ 94 %); gần 250 phiếu LLTP chậm thời hạn (chiếm tỷ lệ 6%).

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi làm rõ các kết quả đã đạt được, cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai Luật LLTP, cũng như việc phối hợp cung cấp, trao đổi, xác minh thông tin LLTP.

Đại diện Cục Hồ sơ Nghiệp vụ, Bộ Công an nêu thực trạng nổi lên thời gian qua là người yêu cầu cấp phiếu LLTP khai không đúng, không đầy đủ, cụ thế thời gian, địa chỉ nơi cư trú, hoặc khai sai thông tin cá nhân so với khi làm Chứng minh Nhân dân, Căn cước công dân hay công tác xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích cũng tương đối phức tạp... dẫn đến việc triển khai còn gặp không ít khó khăn.

Để công tác LLTP đạt được kết quả tốt hơn, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng đề nghị tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan như: Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... để chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật LLTP, bảo đảm thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP./.

Thu Hằng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/tang-cuong-phoi-hop-thao-go-kho-khan-trong-cong-tac-ly-lich-tu-phap-571466.html