Tăng cường phòng chống bệnh dại (bài 2)

Bài 2: Cần quyết liệt phòng chống bệnh dạiĐBP - Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa hè nắng nóng. Đây là môi trường thuận lợi, rất dễ phát sinh bệnh dại ở đàn chó, mèo, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn; đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cấp, các ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả.Bài 1: Những bài học đau xót từ sự chủ quan

Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo là một trong những giải pháp nhằm hạn chế lây lan bệnh dại.

Tỷ lệ chó, mèo tiêm phòng dại thấp

Hàng loạt những khó khăn trong công tác phòng ngừa, kiểm soát bệnh dại trên địa bàn tỉnh đã được ngành Y tế chỉ ra. Đó là một bộ phận người dân nhận thức về bệnh dại cũng như việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại khi bị động vật cắn còn hạn chế; địa bàn vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn nên người dân khó tiếp cận tiêm phòng vắc xin khi bị chó, mèo cắn; việc cung ứng vắc xin phòng dại chưa đáp ứng nhu cầu thực tế do thủ tục đấu thầu mua sắm mất nhiều thời gian, không có nhà thầu tham dự, nhất là đối với nguồn vắc xin dại dịch vụ do trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đấu thầu với số lượng ít (từ 300 đến 500 liều/lần). Bên cạnh đó, công tác quản lý và tiêm phòng cho đàn chó mèo gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y, từ đầu năm đến nay qua xét nghiệm đầu chó đã phát hiện 7 trường hợp đầu chó dương tính với vi rút dại. Điều đó cho thấy vi rút dại lưu hành trên đàn chó và nguy cơ lây sang người là rất lớn.

Trong khi đó đặc thù của vùng cao Điện Biên là diễn biến khí hậu phức tạp, tập quán nuôi chó, mèo của đồng bào theo kiểu tự phát, thả rông. Đến nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những thôn, bản vùng cao không khó bắt gặp hình ảnh chó nuôi của các gia đình được thả rông ngoài đường, không đeo rọ mõm, làm cho nguy cơ vật nuôi bị nhiễm vi rút bệnh dại và khả năng phát tán, lây lan ra môi trường xung quanh rất cao.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 91.000 con chó, mèo và tỷ lệ tiêm phòng cho vật nuôi chưa cao. Cụ thể, tính đến hết ngày 23/4/2023, toàn tỉnh mới có hơn 22.400 con chó, mèo được tiêm phòng vắc xin dại (chiếm tỷ lệ 24,6%). Trong đó, các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà chưa triển khai tiêm phòng dại cho chó, mèo. Tại huyện Nậm Pồ, tỷ lệ tiêm phòng dại cho vật nuôi đạt khá thấp chỉ 10,23%.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh đạt thấp chủ yếu do 2 nguyên nhân: Thứ nhất, công tác thông tin tuyên truyền đến người dân còn yếu, từ đó, người dân chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thứ hai, do địa phương chưa có biện pháp kiên quyết, chưa có chế tài trong xử lý các trường hợp vi phạm. Vì vậy công tác tiêm phòng dại cho đàn chó của tỉnh còn gặp khó khăn.

Người dân bản Na Púng, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ được nghe tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Để tăng cường công tác phòng chống bệnh dại, từ đầu năm đến nay Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện 770 buổi truyền thông trực tiếp tại 532 thôn, bản của các xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn và 238 trường học cho 83.270 người; tổ chức 1 lớp tập huấn chuyên môn về phòng, chống bệnh dại cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã với 80 học viên. Đồng thời, tiếp tục duy trì 23 điểm tiêm vắc xin phòng dại cho người trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trước những diễn biến của bệnh dại trên người và động vật trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn ổ dịch dại trên người và trên vật nuôi, rất cần sự vào cuộc từ các cấp, các ngành, địa phương để triển khai đồng thời các biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Châu Sơn, Trưởng Phòng nghiệp vụ Y – Dược, Sở Y tế: Trước mắt, ngành Y tế vẫn tiếp tục duy trì và củng cố các điểm tiêm phòng vắc xin dại đảm bảo ít nhất một huyện, thị, thành phố có một điểm tiêm; đặc biệt tại các địa bàn nguy cơ cao ghi nhận ca tử vong do bệnh dại và địa bàn rộng, địa hình chia cắt, xa trung tâm huyện thì mở rộng điểm tiêm tại cụm xã. Cung cấp đầy đủ vắc xin dại đến các điểm tiêm chủng, không để thiếu vắc xin. Tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin dại miễn phí cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.380 liều vắc xin phòng bệnh dại được tiêm miễn phí cho người dân.

Các địa phương, chính quyền và cán bộ thú y phải cùng vào cuộc để thống kê, rà soát đàn chó, mèo nuôi của địa phương, nắm rõ tình hình tiêm chủng của vật nuôi để có các giải pháp quản lý, tiêm phòng; kịp thời tiêm nhắc vắc xin dại, tạo miễn dịch liên tục mỗi năm cho đàn chó, mèo nuôi để hạn chế nguy cơ dịch dại trên động vật lan rộng. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức như: loa, đài, tờ rơi, truyền thông tại mỗi gia đình... để tạo sự đồng thuận chung tay của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại.

Để bệnh dại không còn là nỗi lo, bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, cần sự chung tay vào cuộc của mỗi người dân và toàn xã hội.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/205521/tang-cuong-phong-chong-benh-dai-bai-2