Tăng cường phòng chống bệnh dại

Bài 1: Những bài học đau xót từ sự chủ quanĐBP - Hai tháng sau ngày bị chó cắn, người phụ nữ ở xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo mới phát bệnh dại và tử vong. Trước đó, một người ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên bị chó cắn nhưng chủ quan không tiêm phòng dại, đến khi xuất hiện triệu chứng của bệnh dại thì đã không kịp xử lý… 100% ca bệnh lên cơn dại đều vô phương cứu chữa. Sự chủ quan với bệnh dại đã gây ra những cái chết thương tâm. Bài học nhãn tiền đã được cảnh báo nhưng ý thức phòng, chống bệnh dại của người dân vẫn chưa cao.

Tập quán nuôi chó thả rông ngoài đường, không đeo rọ mõm tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dại. Ảnh: Thu Hằng

Sự chủ quan đánh đổi bằng tính mạng

Giữa tháng 4 vừa qua, chị G.T.N., trú tại bản Hát Khoang, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo đã tử vong sau 2 tháng bị chính chó nuôi của gia đình cắn. Trước đó, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, chị N. đã được cơ sở y tế chẩn đoán mắc bệnh dại. Người thân của nạn nhân cho biết, khoảng 2 tháng trước, chị N. bị chó của gia đình nuôi cắn vào bắp đùi chân trái. Sau khi bị cắn, dù được cán bộ xã tư vấn tiêm phòng dại, nhưng chị N. không tiêm vì nghĩ rằng, chó nhà nuôi thì không đáng ngại. Suốt thời gian sau đó, chị N. vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường. Đến ngày 14/4, khi thấy đau mỏi lưng, vận động khó khăn, chị được người thân đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa thăm khám. Sau đó, chị được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được chẩn đoán mắc bệnh dại; đến ngày 16/4 thì tử vong.

Ngày 27/3 trên địa bàn xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cũng ghi nhận một trường hợp tử vong vì bệnh dại do chó cắn. Cũng như trường hợp chị N. ở Pú Xi, ông L.V.Đ. (50 tuổi) bị chó cắn nhưng chủ quan không tiêm vắc xin phòng dại. Ngày 26/3, bệnh nhân L.V.Đ. có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nuốt vướng. Rạng sáng ngày 27/3, ông L.V.Đ. được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và được chẩn đoán cần theo dõi bệnh dại lên cơn. Đêm cùng ngày, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, tiên lượng tử vong cao nên gia đình xin cho bệnh nhân về nhà và bệnh nhân đã tử vong sau đó.

Theo thống kê của Sở Y tế, năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đặc biệt, ngay trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã ghi nhận 6 người chết do bệnh dại (trong khi cùng kỳ năm 2022 không có trường hợp nào). Hầu hết trường hợp được phát hiện bệnh dại trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều là người dân tộc thiểu số ở các bản, xã tập trung ở các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Tủa Chùa và Tuần Giáo.

Nguyên nhân gây bệnh dại và tử vong ở các trường hợp trên chủ yếu là do bị chó cắn. Song phần do chủ quan, phần do hiểu biết không đầy đủ hệ lụy của bệnh dại nên ngay cả khi bị chó cắn, được cán bộ cơ sở khuyên đi tiêm vắc xin phòng dại nhưng họ vẫn không tiêm, mà chỉ khi chuyển bệnh mới điều trị thì đã không kịp.

Phòng bệnh là biện pháp duy nhất

Ông Nguyễn Châu Sơn, Trưởng Phòng nghiệp vụ Y – Dược, Sở Y tế cho biết: Theo đánh giá của Bộ Y tế, Điện Biên là tỉnh nguy cơ cao về bệnh dại trên người trong giai đoạn 2017 - 2021. Hàng năm, tỉnh Điện Biên đều ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người và hơn 3.000 người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 trường hợp phơi nhiễm được tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó, mèo nghi dại cắn.

Một trường hợp phát bệnh dại sau khi bị chó cắn. Ảnh: C.T.V

Hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm vi rút dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó, mèo dại cắn là tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt.

Đơn cử như tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, đầu tháng 1 vừa qua, 10 người dân ở bản Pú Xi 2 (trong đó có 8 trẻ em) bị 2 con chó cắn. Sau đó vài ngày, 1 con chó bị chết không rõ nguyên nhân; con còn lại được xác định mắc bệnh dại. Vì vậy, chính quyền xã đã chỉ đạo Trạm Y tế xã vận động, đưa những người bị chó cắn tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Đến nay, cả 10 trường hợp trên sức khỏe đều ổn định. Tuy nhiên, các trường hợp này tiếp tục được theo dõi và tiêm các mũi vắc xin nhắc lại đảm bảo đúng thời gian quy định.

Những trường hợp trên ở xã Pú Xi là minh chứng rõ nhất cho thấy, người bị chó, mèo dại cắn nếu được xử trí đúng cách và tiêm phòng kịp thời sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc. Để hạn chế các trường hợp tử vong do bệnh dại, ngành Y tế khuyến cáo người dân nếu bị chó, mèo cắn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời.

Hiện đã bước vào mùa nắng nóng, đây là thời điểm thuận lợi bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan thú y, y tế Điện Biên cần tập trung thực hiện đồng thời các biện pháp điều tra, xử lý ổ dịch dại trên người và trên đàn chó, mèo. Đặc biệt, việc tuyên truyền cần chú trọng đến các địa bàn nguy cơ cao, nơi đã ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thay đổi nhận thức của người dân về tiêm vắc xin phòng dại và cách xử trí ban đầu khi bị chó, mèo nghi dại cắn.

Bài 2: Cần quyết liệt phòng chống bệnh dại

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/205506/tang-cuong-phong-chong-benh-dai