Tăng cường phòng, chống buôn lậu trong mùa lũ và dịp cuối năm

Theo các địa phương có tuyến biên giới với Campuchia, lợi dụng mùa nước nổi và thời điểm những tháng cuối năm, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tăng cường hoạt động, chính vì vậy các cơ quan chức năng khu vực này đã phải lên kế hoạch tuần tra, kiểm soát…xử lý nghiêm các đối tượng có những hành vi trên.

Tại các địa phương khu vực đầu nguồn sông Cửu Long như Long An, Đồng Tháp, An Giang…, nhiều đối tượng đã vận chuyển hàng hóa trái phép vào nội địa. Các cánh đồng thuộc khu vực biên giới hai tỉnh Đồng Tháp - PrâyVeng (Campuchia) ngập sâu trong nước, đây là điều kiện thuận lợi để nhiều đối tượng vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Trước tình hình đó, lực lượng thuộc Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp đã tăng cường mật phục, kiên quyết xử lý với những đối tượng buôn lậu, trong hai tháng mùa lũ 2018, Đội Đặc nhiệm Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp đã bắt 6 vụ buôn lậu, thu giữ 1 tấn đường cát và 500 cây thuốc lá các loại. Gần 1 năm qua, lực lượng của Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp đã bắt 114 vụ buôn lậu, trị giá hàng hóa thu giữ trên 1,1 tỷ đồng.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp tuần tra trên sông

(Nguồn: Báo Đồng Tháp)

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp vẫn quyết tâm, đấu tranh quyết liệt với buôn lậu, nhất là buôn lậu mùa nước nổi. Theo đó, kế hoạch của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp được quán triệt, triển khai cho các đơn vị Biên phòng để tổ chức thực hiện. Căn cứ vào đó, các Đồn Biên phòng xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng, phối hợp với cơ quan liên quan, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vào mùa lũ. Lực lượng Biên phòng sử dụng phương tiện, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo phối hợp, hiệp đồng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, mật phục.

Đại tá Nguyễn Văn Chinh, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm nay, nước lũ về sớm và cao hơn cùng kỳ năm 2017. Các cánh đồng khu vực biên giới ngập nước sâu, thuận lợi cho ghe xuồng qua lại. Vì vậy, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gia tăng. Để vận chuyển hàng trót lọt qua biên tới, đối tượng buôn lậu thường có phương thức, thủ đoạn khá tinh vi. Do đó, lực lượng chức năng đã phải tăng cường lực lượng trinh sát, nắm chắc diễn biến tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng buôn lậu. Bố trí lực lượng trên các hướng, các tuyến, địa bàn trọng điểm mà đối tượng buôn lậu lợi dụng mùa nước lũ vận chuyển hàng lậu vào nội địa để đấu tranh có hiệu quả.

Mặc dù công tác chống buôn lậu vẫn duy trì thường xuyên, liên tục, nhưng cứ đến mùa nước nổi, cơ quan Hải quan tỉnh An Giang lại tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu gia tăng, do các đối tượng lợi dụng các kênh, rạch đưa hàng hóa thẩm lậu qua biên giới.

Từ tháng 1 đến 30/9/2018, Cục Hải quan tỉnh An Giang đã bắt giữ và xử lý tổng số 73 vụ nhập lậu hàng hóa qua biên giới, với tổng trị giá trên 1,863 tỷ đồng. Riêng tháng 9/2018, thời điểm lượng nước thượng nguồn đổ về rất lớn và nhanh so với năm trước, cơ quan hải quan đã chủ trì và phối hợp bắt giữ 11 vụ buôn lậu, trị giá hàng hóa 827,767 triệu đồng, tăng 7 vụ, và tăng trên 802 triệu đồng về giá trị so với tháng 8/2018; tăng 4 vụ và trị giá tăng là 791,842 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2017. Với đặc thù vùng sông nước hạ lưu sông Mê Kông, đỉnh lũ thường rơi vào các tháng 9 và 10 hàng năm, những cánh đồng tiếp giáp biên giới tỉnh An Giang ngập sâu hơn, các phương tiện vỏ lãi, xuồng máy và ghe có trọng tải vài chục tấn có thể qua lại biên giới dễ dàng, rất thuận lợi vận chuyển hàng hóa nhập lậu, nhất là những địa bàn, tuyến trọng điểm, như: khu vực thị trấn Long Bình, huyện An Phú; thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên; khu vực xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu

tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang (Nguồn: Báo An Giang)

Theo Cục Hải quan An Giang, các phương thức, thủ đoạn vẫn là thuê người vận chuyển hàng hóa bằng xuồng máy, vỏ lãi công suất lớn vượt biên giới từ Campuchia vào Việt Nam vào các giờ cao điểm: chập tối, nửa đêm, gần sáng, giờ nghỉ của lực lượng chức năng..., chia nhỏ, xé lẻ lượng hàng để tránh các chế tài của pháp luật, sau đó nhanh chóng đưa lên xe tải, xe khách, xe gắn máy 2 bánh, đưa đi các địa phương tiêu thụ... Tội phạm ma túy thì lợi dụng tuyến biên giới dài, nhiều kênh, rạch và việc qua lại, trao đổi, thăm thân nhân, khách đi tham quan du lịch đông. Hoạt động của loại tội phạm này thường có sự cấu kết giữa người Việt Nam với người nước ngoài, tạo thành đường dây có tổ chức với mức độ rất tinh vi.

Từ diễn biến trên, Cục Hải quan An Giang đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường bám sát địa bàn, đối tượng, thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện vận tải, hành lý xuất, nhập cảnh, tích cực thu thập thông tin, phòng chống hiệu quả hoạt động buôn lậu hàng hóa, tiền tệ, vàng qua biên giới; phối hợp các ngành Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường và các lực lượng liên quan, nhằm đảm bảo an ninh và chống thẩm lậu hàng hóa qua biên giới trong mùa nước nổi 2018.

Theo Hải quan tỉnh Tây Ninh, trước tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng Hải quan cửa khẩu quốc tế Xa Mát đã tăng cường phối hợp với các đơn vị khu vực cửa khẩu tập trung triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Ông Nguyễn Văn Tài, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Xa Mát cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới tuy không còn diễn ra công khai như trước, nhưng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ sẽ gia tăng vào dịp trước Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019. Năm 2018, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn diễn ra với mức độ nhỏ lẻ, mặt hàng nhập lậu chủ yếu là gạo, đường cát trắng, thuốc lá điếu, tiền tệ, mủ cao su, rượu, hạt điều khô, cau tươi, gỗ nhóm I, gỗ cao su…

Ðối tượng buôn lậu chủ yếu là cư dân biên giới qua lại mua bán, trao đổi hàng hóa giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, một số ít là các đầu nậu chuyên mua gom hàng từ cư dân biên giới. Các đối tượng này thường vận chuyển qua các đường mòn, lối mở hai bên cánh gà Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Cửa khẩu Chàng Riệc. Các đối tượng này thường thường vận chuyển vào giờ nghỉ hoặc ban đêm, gây khó khăn cho công tác kiểm soát của các đơn vị khu vực cửa khẩu.

Hiện, đơn vị đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường thu thập xử lý thông tin, tuần tra, kiểm soát tại cửa khẩu chính và các địa bàn trọng điểm.

Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Xa Mát đã chủ động rà soát, đánh giá tình hình, phối hợp với Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Cửa khẩu Chàng Riệc, Công an huyện Tân Biên, Công an xã Tân Lập… triển khai các hoạt động đấu tranh và phòng, chống có hiệu quả tình hình buôn lậu hàng hóa, vận chuyển trái phép ma túy trên tuyến biên giới.

Dự báo, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tình hình sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động vận chuyệ̉n trái phép tiền tệ qua biên giới. Do đó, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ làm thủ tục xuất nhập cảnh cho người và phương tiện, hàng hóa, lực lượng Hải quan còn tập trung vào công tác chống buôn lậu, như tăng cường nắm tình hình địa bàn, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, quá cảnh, phương tiện xuất nhập cảnh, nhất là các loại hàng hóa trọng điểm như: thuốc lá điếu, đường cát, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả…/…

NS

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/phap-luat/tang-cuong-phong-chong-buon-lau-trong-mua-lu-va-dip-cuoi-nam-503248.html