Tăng cường phòng, chống cháy nổ trong dịp Tết Nguyên đán

Theo bạn đọc phản ánh, vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tại các hộ gia đình, cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại,… thường chuẩn bị nhiều hàng hóa để sử dụng hoặc mua bán như vàng mã, thực phẩm, quần áo,…

Diễn tập phương án chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn tại một chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Diễn tập phương án chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn tại một chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Bên cạnh đó, việc các gia đình sử dụng các nhiên liệu trong sinh hoạt hằng ngày vào khoảng thời gian này cũng gia tăng. Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại nhiều tỉnh, thành phố vẫn bị xem nhẹ, dẫn đến nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản và con người…

Vừa qua, tại một cửa hàng tạp hóa ở xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành (Tây Ninh) xảy ra cháy lớn. Hậu quả khiến bà Lê Thị Thu Thảo (SN 1967) là chủ nhà chết, căn nhà và nhiều tài sản có giá trị bị thiêu rụi. Theo một số người hàng xóm của bà Thảo thì thời điểm xảy ra vụ cháy khoảng 2 giờ đêm. Ngọn lửa bốc lên rất nhanh và bao trùm ngôi nhà sau ít phút, thời điểm này bà Thảo bị mắc kẹt bên trong. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Tây Ninh đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường chữa cháy.

Phải mất khoảng 30 phút, lực lượng PCCC mới khống chế được ngọn lửa. Căn nhà xảy ra cháy dùng để buôn bán tạp hóa, rộng khoảng 60 m2, có một gác lửng. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Trước đó, tại hẻm 143/202/2 phố Nguyễn Chính, quận Hoàng Mai (Hà Nội) xảy ra vụ cháy nhà làm chết ba người gồm: bà Phùng Thị Kim Tâm (SN 1959) và hai cháu nhỏ Trịnh Minh Duy (SN 2011), Hà Anh Vũ (SN 2010). Theo anh Trần Hữu Anh, một người hàng xóm của bà Tâm, vào khoảng 5 giờ sáng 1-12-2019, anh và nhiều người sinh sống trong hẻm nghe tiếng kêu cứu phát ra từ ngôi nhà của bà Tâm.

Ngay lập tức, mọi người đã cố gắng phá cửa bên ngoài nhằm giải cứu ba bà cháu. Tuy nhiên, hệ thống cửa của ngôi nhà rất chắc chắn và bị khóa trái nên rất khó tiếp cận bên trong. Một số người chạy ra cổng sau, trèo lên mái tôn ngôi nhà với hy vọng nhanh chóng cứu ba bà cháu ở gác xép nhưng cũng vô vọng… Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ cháy đã diễn ra trong suốt thời gian qua trên khắp cả nước. Các vụ cháy này đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng cháy nổ trong dịp gần Tết Nguyên đán năm 2020.

Theo một cán bộ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), dịp Tết cổ truyền của nước ta thường trùng vào thời điểm giữa mùa khô, lúc này độ ẩm không khí giảm mạnh rất dễ gây cháy. Đây cũng là khoảng thời gian tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Số lượng người tham gia mua bán tại các chợ, trung tâm thương mại,… cũng tăng đột biến. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã tại các gia đình cũng tăng cao. Bên cạnh đó, một số người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương, chủ hộ gia đình chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC. Nhiều đơn vị tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình xây dựng cũng làm tăng nguy cơ cháy, nổ. Ý thức, kiến thức PCCC của cán bộ, công nhân viên, người lao động, người dân và lực lượng PCCC tại chỗ còn nhiều hạn chế.

Chưa có quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình nhà ở như chung cư mi-ni, công trình nhiều tầng hầm, siêu cao tầng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tại một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, triệt để, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCCC hằng năm theo quy định Luật Phòng cháy chữa cháy của một số bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc. Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ PCCC chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy tại nhiều địa phương hiện còn thiếu trầm trọng. Việc phân công trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc quản lý hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng chưa rõ ràng, cụ thể,…

Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả như: Thường xuyên tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại,…

Chủ động phối hợp các cơ quan báo chí, địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn người dân những biện pháp PCCC và cách thoát nạn. Tổ chức kiểm tra định kỳ tại tất cả các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa, cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ Tết. Đối với các địa phương có rừng, công an các địa phương chủ động phối hợp lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC rừng trong mùa hanh khô. Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất để khi có cháy xảy ra có thể điều động lực lượng, phương tiện tổ chức cứu chữa đạt hiệu quả cao.

Đối với các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ. Xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ. Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người chung quanh biết; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu; đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH số điện thoại 114 và tích cực tổ chức chữa cháy,cứu người bị nạn...

Hiện nay, phần lớn các vụ cháy nổ đều có nguyên nhân từ chập điện. Bởi trong quá trình sử dụng điện sinh hoạt nhiều người đã tự ý câu, móc thêm, đấu nối tùy tiện các thiết bị tiêu thụ điện gây quá tải. Hệ thống dây dẫn điện sử dụng lâu ngày bị lão hóa, quá tải không được kiểm tra, thay thế kịp thời. Sử dụng sạc điện thoại di động không rõ xuất xứ, không bảo đảm kỹ thuật. Khi đi ra khỏi nhà nhiều người chủ quan không tắt các thiết bị điện...

Thượng úy NGUYỄN HOÀI PHƯƠNG (Bộ Công an)

Để bảo đảm công tác PCCC tại các khu dân cư, nhất là các khu chung cư cao tầng, lực lượng cảnh sát PCCC các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về PCCC tại các khu vực này. Qua đó, đánh giá đúng hiện trạng các trang, thiết bị PCCC; yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý chung cư bổ sung, thay mới các thiết bị này nếu cần thiết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định
về PCCC.

ĐOÀN VIỆT DŨNG (Thanh Oai, Hà Nội)

Từ ngày 15-12-2018 đến 14-11-2019, cả nước xảy ra 3.354 vụ cháy (trong đó, 3.051 vụ cháy cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 303 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra: làm chết 71 người, bị thương 113 người, về thiệt hại tài sản ước tính 1.125,357 tỷ đồng và 3.172 ha rừng. So cùng kỳ năm 2018, số vụ cháy giảm 560 vụ; số người chết giảm tám người, số người bị thương giảm 79 người; thiệt hại về tài sản giảm 838,671 tỷ đồng. Số vụ cháy rừng tăng 45 vụ (303/258); thiệt hại tăng 2.105 ha rừng.

(Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an)

DUY MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/42913902-tang-cuong-phong-chong-chay-no-trong-dip-tet-nguyen-dan.html