Tăng cường phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, các địa phương trên cả nước đang tăng cường nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn ngừa, khống chế bệnh dịch, tránh lây lan trên diện rộng.

Kinh doanh, bán thịt lợn rõ nguồn gốc, đã được kiểm dịch ở chợ huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: MAI LUẬN)

* Sáng 28-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: Hôm qua (27-5), vẫn phát sinh thêm các ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) mới tại 167 hộ, ở 43 thôn, tám xã. Lực lượng phòng, chống dịch và nông hộ đã tiêu hủy 1.583con lợn mắc bệnh DTLCP, tổng trọng lượng gần 90 tấn của 208 hộ chăn nuôi ở 120 thôn, 56 xã thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa.

Đến thời điểm này, ngoài huyện Vĩnh Lộc “bình yên” trước xu hướng dịch bệnh trên đàn gia súc dần lan rộng, DTLCP đã xuất hiện ở 26 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa. Toàn tỉnh đã tiêu hủy 16.217con lợn, tổng trọng lượng 1.033.348,5 kg theo quy trình hướng dẫn, thực hiện khoanh vùng, dập dịch. Chi cục Thú y đã cấp gần 60 nghìn lít hóa chất, 115 tấn vôi bột cùng các vật tư, thiết bị cho các địa phương thực hiện tiêu độc, khử trùng, bao vây dập dịch. Hệ thống giám sát đã lấy 521 mẫu chuẩn đoán, giám sát bệnh DTLCP, phát hiện 264 mẫu dương tính với dịch bệnh này. Trong ngày hôm qua vẫn phát sinh 41con lợn của 15 hộ, ở 13 thôn, 13 xã thuộc TP Sầm Sơn và các huyện: Hà Trung, Bá Thước, Nông Cống, Yên Định, Lang Chánh, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Tĩnh Gia bị ốm, chết nên lực lượng thú y đã lấy 15 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có công văn gửi các ban đảng, ban cán sự, đảng, đoàn, các huyện, thị xã, thành ủy, các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị và văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng, chống bệnh DTLCP và nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu lúc này, phải khẩn trương, kiên quyết xử lý dứt điểm, triệt để các ổ dịch đã phát sinh, không được để tái bùng phát ổ dịch, phát sinh thêm ổ dịch mới, nhanh chóng khống chế bệnh DTLCP ở các địa phương và trên phạm vi toàn tỉnh.

* Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, dịch bệnh này đã và đang xảy ra tại 43 tỉnh, thành phố trong toàn quốc với 1.773.892 con lợn bị tiêu hủy. Nguy hiểm hơn khi hai tỉnh giáp với tỉnh Kon Tum là Quảng Nam và Gia Lai đang có lợn mắc dịch bệnh này với diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây lan bệnh vào tỉnh Kon Tum là rất lớn.

Để phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, nắm chắc tình hình, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của BCH Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch xâm nhập vào địa phương.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ, tổng hợp kịp thời diễn biến về tình hình dịch bệnh để phối hợp các địa phương kịp thời kiểm tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật về phòng chống để người dân biết, thực hiện; đồng thời thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng dân cư hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp xử lý đối với động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan...

Thực hiện phun thuốc khử trùng tiêu độc tất cả các phương tiện vận chuyển vào tỉnh Kon Tum. Tổ chức hoạt động 24/24 giờ, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập tỉnh tại các Trạm kiểm động vật đầu mối giao thông. Nhanh chóng cử cán bộ xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân khi nghi ngờ lợn mắc bệnh.

* Ngày 28-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam cho biết, đơn vị đang phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức xử lý và tiêu hủy 39 con lợn vận chuyển trái phép qua địa bàn tỉnh.

Tạm giữ phương tiện và đàn lợn nhiễm bệnh để xử lý theo quy định. (Ảnh: QUỐC VIỆT)

Trước đó, lúc 9 giờ 50 phút ngày 27-5, tại cửa hàng xăng dầu Kỳ Lý (thuộc xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh), Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Nam, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam và đại diện huyện Phú Ninh đã tổ chức kiểm tra, phát hiện xe tải BKS: 76C - 060.68 do Phạm Minh Vỹ (36 tuổi, trú tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển vận chuyển 39 con heo, trong đó năm con đã chết, có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Lái xe Phạm Minh Vỹ cho biết, trên xe chở khoảng 150 con lợn thịt từ xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đến lò mổ bà Huỳnh Thị Lộc (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), trên đường đi đã bán bớt một số lợn, nhưng không thống kê được số lượng.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện trên, đồng thời lấy ba mẫu của ba con lợn chết để gửi đi xét nghiệm. Kết quả cả ba mẫu phẩm đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

* Ngày 28-5, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thành phố nhằm triển khai Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư và triển khai nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Chốt kiểm soát phun xịt hóa chất khử trùng khi xe chở lợn ra, vào địa bàn tỉnh.

Hiện tại, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 45 tỉnh, thành trong cả nước, diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt dịch xảy ra tại bảy tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, có nhiều xe các tỉnh lân cận vào địa bàn để mua lợn nên nguy cơ cao mầm bệnh mang vào tỉnh qua các phương tiện vận chuyển này.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp cấp bách nhằm ngăn ngừa và ứng phó dịch. UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch và chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Qua đó, đã triển khai tám chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật tại các cửa ngõ ra vào tỉnh; quy định về kiểm soát vận chuyển lợn nhập tỉnh; thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra việc giết mổ động vật; kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn mọi lai vì đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh...

Đồng thời, xây dựng kịch bản khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Trường hợp phát hiện dịch sẽ tổ chức xử lý ổ dịch đúng theo quy định như: xử lý kịp thời, triệt để ngay khi phát hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh; triển khai ngay các giải pháp để khống chế, giảm thiểu tố đa nguy cơ virus nhân lên và phát tán rộng nhằm mục đích khống chế, kiểm soát nhanh dịch bệnh, không để dịch lây lan trên diện rộng...

Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh hơn 536 nghìn con, với 21.652 hộ chăn nuôi, tập trung nhiều nhất ở ba huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang vừa có công văn đề nghị Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố trong nước tạm dừng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn tỉnh Hà Giang từ ngày 28-5.

Tại tỉnh Hà Giang, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 27 hộ, ở 16 thôn, tại 13 xã thuộc sáu huyện, thành phố. Tổng số lợn phải tiêu hủy 332 con, trọng lượng tiêu hủy 14.258 kg. Hiện nay, tỉnh Hà Giang đã công bố dịch bệnh động vật trên cạn.

Việc tỉnh Hà Giang không cho các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn được người dân đồng tình. Nguyên nhân là trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra vụ việc xe chở lợn từ tỉnh khác vào địa bàn, có đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng khi kiểm tra vẫn phát hiện lợn bị dịch tả châu Phi.

Cụ thể, vào ngày 23-5, tổ chốt chặt kiểm dịch tạm thời của thành phố Hà Giang đã phát hiện xe tải mang BKS: 22C - 061.80, chở 40 con lợn từ Tuyên Quang đi về phía thành phố Hà Giang. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch theo quy định. Cụ thể, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh số 003248/CN- KDĐV – UQ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang cấp ngày 23-5, kèm theo phiếu trả lời xét nghiệm vi rút dịch tả lợn châu Phi của trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương số 5592/ CĐ - XN, ngày 8-5. Theo giấy kiểm dịch, xe lợn thịt là của Công ty TNHH DABACO, điểm giao dịch tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) di chuyển lên các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang tiêu thụ.

Tuy nhiên, khi kiểm tra, tổ kiểm dịch phát hiện một con lợn chết. Ngành chức năng tỉnh Hà Giang đã lấy ba mẫu của con lợn chết đi kiểm tra, kết quả 1/3 mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, chỉ đạo các trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên địa bàn tạm dừng không cho các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn vào địa bàn, kể cả có giấy tờ kiểm dịch theo quy định.

MAI LUẬN; ĐINH SỸ TẠO; QUỐC VIỆT, HOÀNG TRUNG- KHÁNH TOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40343502-tang-cuong-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi.html