Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững

Diễn ra từ ngày 22 đến 23-6, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 34 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội trong bối cảnh thế giới và khu vực đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu.

Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. Ảnh: TTXVN

Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha cho biết, tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN đều ủng hộ chủ đề của Hội nghị ASEAN 34 do nước chủ nhà Thái Lan đề xuất đó là “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững”. Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã thống nhất tiếp tục duy trì nỗ lực vì “một gia đình ASEAN cùng tiến bước tạo nên cộng đồng lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau và hướng đến tương lai”

Theo Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha, các nước ASEAN đang tập trung tăng cường an ninh bền vững, thúc đẩy kết nối ASEAN không rào cản và hướng tới phát triển bền vững nhằm tăng giá trị chiến lược của ASEAN và đem lại sự ổn định và thịnh vượng cho khu vực. Trên cơ sở đó, các nước ASEAN thống nhất sẽ tăng cường tính tương hỗ giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 với Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030 của Liên hợp quốc. Cùng với đó, các nước ASEAN cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng để đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông; ngăn chặn các cuộc đụng độ trên biển; chống khủng bố dưới mọi hình thức...

Một vấn đề được 10 quốc gia thành viên ASEAN tập trung bàn thảo đó là về rác thải biển – vấn nạn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, động vật biển và tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, hội nghị đã thông qua Tuyên bố Bankok về chống rác thải biển trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, để giải quyết hiệu quả và kịp thời các diễn biến khẩn cấp của thiên tai, thảm họa, các nước ASEAN đã cho ra mắt Kho vệ tinh (trụ sở tại Thái Lan) theo sáng kiến Hệ thống cung cấp nhu yếu phẩm trong trường hợp thiên tai xảy ra và sáng kiến thành lập Trung tâm y tế quân sự ASEAN.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN đã đưa ra “Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”; nêu quan điểm của cộng đồng ASEAN về vai trò kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương theo các nguyên tắc chung được công nhận về sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Hội nghị ASEAN 34 cũng đã nhắc lại tầm quan trọng của việc củng cố nền kinh tế khu vực và ủng hộ mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) nhằm giúp cộng đồng ứng phó với các thay đổi và bất ổn, đặc biệt sau cuộc chiến thương mại giữa những đối tác kinh tế lớn của ASEAN.

Dẫn đầu đoàn Việt Nam dự lễ khai mạc và các phiên họp trong khuôn khổ Cấp cao ASEAN 34; đồng thời, với tư cách Chủ tịch ASEAN kế tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nêu cao sự đoàn kết, thống nhất ASEAN, đề nghị đẩy mạnh liên kết kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư... Năm 2020, Việt Nam cam kết sẽ kế thừa và phát huy các thành tựu của ASEAN, phối hợp chặt chẽ với các nước trên cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đóng góp nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ASEAN cần nhìn nhận thẳng thắn, ghi nhận những tiến triển tích cực trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). ASEAN cần vừa khuyến khích đối thoại và hợp tác, vừa có tiếng nói trách nhiệm với những diễn biến tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-cuong-quan-he-doi-tac-vi-su-phat-trien-ben-vung/