Tăng cường quản lý bùn thải từ nhà tiêu

y là chủ đề tại Hội thảo quốc tế Tham vấn về quản lý và xử lý bùn thải từ nhà tiêu ở Việt Nam do Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Đông Tây Hội ngộ tổ chức ngày 25/4 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo tại Hội thảo, tính đến tháng 4/2019, Việt Nam hiện có 830 đô thị bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 80 đô thị loại IV và 655 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước đạt khoảng 38,6%.

PGS.TS. Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS. Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho biết: “Với tốc độ đô thị hóa tăng trung bình mỗi năm khoảng 1% đã tạo nên sức ép đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong đó việc quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước và các công trình vệ sinh đã và đang là thách thức rất lớn đối với các đô thị của Việt Nam, là vấn đề được Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương rất quan tâm. Bởi nếu không quản lý đúng cách sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng”.

Tuy công tác quản lý, xử lý bùn thải đã được các cấp quan tâm nhưng đặc điểm của các đô thị Việt Nam hiện nay là hộ gia đình thường sử dụng hệ thống vệ sinh tại chỗ và chủ yếu là các bể tự hoại. Bên cạnh đó, một số khu vực và đường phố có bố trí các nhà vệ sinh công cộng thì bùn thải được thông hút, thu gom, vận chuyển. Tuy nhiên chủ yếu vẫn xử lý bằng công nghệ lạc hậu hoặc chưa qua xử lý và phần lớn chôn lấp cùng với các loại rác thải đô thị hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

Toàn cảnh Hội thảo về quản lý và xử lý bùn thải từ nhà tiêu ở Việt Nam

Tại Hội thảo các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý và xử lý phân bùn thải từ nhà tiêu, xung quanh các vấn đề về: Khung thể chế, chính sách về quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước và công trình vệ sinh; Các mô hình quản lý và xử lý bùn thải; Các nghiên cứu công nghệ mới về thu gom, xử lý, tái sử dụng, thu hồi tài nguyên từ phân bùn thải ở các quy mô công nghệ và mô hình quản lý khác nhau; Lựa chọn mô hình quản lý, công nghệ xử lý bùn thải phù hợp với điều kiện của Việt Nam; đặc biệt đối với trường hợp của TP Bến Tre.

Đa phần các hệ thống thoát nước của đô thị hiện nay là hệ thống thoát nước chung. Một số khu đô thị mới có hệ thống thoát nước riêng như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Vũng Tàu, Đà Lạt, Bình Dương và TP Cần Thơ. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước dao động từ 8-98%, tỷ lệ bao phủ trung bình là 63,9% (thấp nhất là Quảng Trị (8%), Bắc Ninh (13%), Lâm Đồng (20%), còn lại đều trên 50%. Các đô thị lớn như TP Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh đạt trên 95%.

Bùn thải được Bình Dương xử lý thành những sản phảm có ích như gạch Terrazzo, gạch con sâu, phân compost…

Phần lớn các đơn vị xử lý môi trường chọn giải pháp chôn lấp chiếm 62,1%, chế biến phân compost là 13,8%, chuyển giao 6,9%, phương pháp khác (san lấp mặt bằng, tái chế bùn…) 3,4%, còn lại (13,8%) là chưa xử lý. Công nghệ chủ yếu là nén bùn và ép bùn, độ khô của bùn thường đạt 33-50%, thuận tiện cho vận chuyển ra khỏi nhà máy đến cơ sở xử lý chất thải rắn, chôn lấp… (Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở có bổ sung thêm xử lý sinh học bằng bể metan, sau đó ép bùn). Chi phí xử lý bùn trong phạm vi nhà máy tính chung với chi phí xử lý nước thải.

Hiện cả nước có 5 địa phương cơ bản xử lý bùn thải được thu gom như: Cty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng, Cty CP cấp thoát nước Cần Thơ, Cty CP Cấp thoát nước Bến Tre, Cty CP nước – môi trường Bình Dương (BIWASE) và Cty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng.

Cao Cường – Mai Thanh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tang-cuong-quan-ly-bun-thai-tu-nha-tieu.html