Tăng cường quản lý đất công

Sáng 19/11, tại buổi thảo luận tổ của BCH Đảng bộ tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 chuẩn bị cho Hội nghị BCH lần thứ 34, nhiều ý kiến cho rằng: tình hình vi phạm pháp luật đất đai gia tăng, các địa phương cần siết chặt quản lý đất công.

Trong thời gian tới, tỉnh cần siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý đất công. Trong ảnh: Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát thực địa và đối chiếu bản đồ khu đất công viên mũi Nghinh Phong.

LẤN CHIẾM ĐẤT CÔNG GIA TĂNG

Liên quan đến tình trạng lấn chiếm đất công diễn ra phức tạp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng gia tăng làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội cũng như bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, làm thất thoát tài sản Nhà nước, gây ra khiếu nại tố cáo kéo dài. Đơn cử như tại huyện Xuyên Mộc có 800ha đất công, trong đó gần 300ha bị lấn chiếm. Đây cũng là “điểm nóng” cần phải chấn chỉnh, xử lý rốt ráo. “Ngoài việc rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để siết chặt quản lý, chấn chỉnh tình trạng vi phạm, lấn chiếm đất công trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Thanh Tịnh nói.

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, công tác quản lý đất công trên địa bàn tỉnh lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng các khu đất công bị nhiều hộ dân lấn chiếm, xây dựng trái phép. Đề nghị tỉnh nghiên cứu, có giải pháp hiệu quả trong quản lý đất công. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Bí thư Thành ủy Bà Rịa cho biết: “Công tác quản lý đất công hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong khi đó cơ chế còn nhiều bất cập. Chẳng hạn muốn thu hồi đất phải có bản đồ địa chính, trong khi nhiều trường hợp người dân không hợp tác cho kiểm kê. Vì vậy, đề nghị tỉnh cần quyết liệt hơn trong việc quản lý đất công”.

Trong khi đó, theo ông Lê Ngọc Khánh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, qua công tác kiểm tra của Sở Tài chính, hầu như các trụ sở cho các hộ dân, cán bộ mượn nhưng không bàn giao, không xử lý và bị lấn chiếm nhiều, nhiều địa phương vẫn chưa cập nhật đầy đủ tài sản công. Do đó, UBND tỉnh cần tăng cường giám sát và quản lý để không xảy ra thất thoát tài sản của Nhà nước.

Về tình trạng phân lô, bán nền trái phép, ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, tình trạng này trên địa bàn TP. Vũng Tàu diễn ra rất phức tạp trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do một số quy định chưa phù hợp. Ông Lập đề xuất nên có phân cấp việc xử lý tình huống khi phát sinh tình trạng này, giúp việc xử lý kịp thời.

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM

Tại các tổ thảo luận, một vấn đề mà các đại biểu quan tâm bàn thảo là khai thác hiệu quả kinh tế ban đêm. Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, BR-VT là địa phương có điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch, phát triển hệ thống bán lẻ và kinh tế ban đêm, tuy nhiên loại hình kinh tế này vẫn chưa được khai thác triệt để. Phát triển mạnh được ngành kinh tế này sẽ tạo điều kiện để phát triển ngành du lịch vốn đã là thế mạnh của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, có 2 địa phương có đủ điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm là huyện Xuyên Mộc và TP. Vũng Tàu. Do đó, các địa phương này cùng với Sở Du lịch cần xây dựng quy hoạch phát triển phù hợp với đặc thù của mình. Trong đó, việc cần phát triển hình thức này ở các khu vực phù hợp để việc phát triển nhanh nhưng bền vững, không ảnh hưởng đến không gian chung của cộng đồng.

Ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cũng đồng tình với quan điểm cần phát triển các hệ thống bán lẻ và kinh tế ban đêm. Ông Lập lấy ví dụ ngay tại TP. Vũng Tàu, những năm qua, hàng chục cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/24 giờ đã phục vụ và làm hài lòng nhiều người dân địa phương và khách du lịch. Về kinh tế ban đêm, ông Nguyễn Lập đề nghị Sở Công thương cần nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đưa ra các quy hoạch cụ thể, xuyên suốt để các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng thiếu liên kết, manh mún không đem lại hiệu quả cao.

Công nhân Công ty TNHH MTV Kết cấu thép PEB kiểm tra các số đo của khung nhà tiền chế thép tại xưởng.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM VĂN HÓA HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG

Bàn các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng (TTVHHTCĐ), ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dù có chi phí đầu tư lớn, tuy nhiên, các công trình này tại nhiều địa phương vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Nguyên nhân là hoạt động của các trung tâm này vẫn đang khá cứng nhắc, bị “hành chính hóa”. Do đó, cần xây dựng cơ chế để huy động nhiều lực lượng, nguồn lực để khai thác hiệu quả nguồn cơ sở vật chất đã được đầu tư. Trong đó, cần giao nhiệm vụ để phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để phát huy hết hiệu quả của các TTVHHTCĐ… Còn theo ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, về vấn đề xã hội hóa cần xác định rõ ràng cơ chế và mô hình cụ thể. Có như vậy mới thu hút được nhà đầu tư và phát huy được hiệu quả của các đề án này.

Ông Châu Văn Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng, cần tháo gỡ những vướng mắc, có giải pháp hiệu quả hơn để thu hút đầu tư xã hội hóa TTVHHTCĐ, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân. Sở KH-ĐT cần xác định, định hình được cần xã hội hóa những lĩnh vực nào. Đồng thời xây dựng danh mục để thông tin rộng rãi cho nhà đầu tư biết và có điều kiện tham gia.

Người dân phải thật sự được hưởng thụ thành quả phát triển

Phát biểu thảo luận tổ 2, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh đến việc tạo nguồn thu ngân sách phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp, nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển và logistics - đây là các trụ cột kinh tế để tăng nguồn thu. Để khai thác hiệu quả công nghiệp, cảng biển, logistics tỉnh đặc biệt ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, trong đó chú trọng đầu tư giao thông thủy bởi lĩnh vực này chiếm tới 80% lượng hàng hóa về cảng. Về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, mặc dù thời gian qua tỉnh đã thu hút nhiều DN đầu tư các dự án vào lĩnh vực này nhưng mục tiêu phát triển nông nghiệp vẫn chưa đạt được. Do đó, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng cần có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, làm cho người dân thật sự được hưởng thụ thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Liên quan đến việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn để thực hiện chủ trương tăng 2 tiết học tiếng Anh/tuần, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành giáo dục đang quyết liệt triển khai công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy theo chương trình mới. Sở chỉ đạo cho các phòng GD-ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho các huyện, thị xã, thành phố đề xuất với Sở Nội vụ để ưu tiên cho tuyển giáo viên tiếng Anh mới, bảo đảm thực hiện được chủ trương tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần; triển khai cho các trường triển khai văn hóa đọc trong trường học. Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Trần Tuấn Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho rằng, để truyền cảm hứng, động lực cho HS với môn tiếng Anh là trách nhiệm của giáo viên. Do đó, ngành giáo dục nên quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh ở các cấp học.

NHÓM PV

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/201911/bch-dang-bo-tinh-thao-luan-ve-tinh-hinh-kt-xh-tang-cuong-quan-ly-dat-cong-882240/