Tăng cường quản lý đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi có nguồn khoáng sản phong phú, thời gian qua, Phú Thọ đã tổ chức nhiều buổi đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường một cách công khai, minh bạch, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Mỏ khai thác cát lòng sông Hồng ở phường Minh Nông, TP. Việt Trì có diện tích 28,7ha thuộc đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH xây dựng Gia Thịnh Phú Thọ.

Loại bớt doanh nghiệp “thiếu năng lực”

Với quyết tâm tạo dựng một “sân chơi” sòng phẳng, minh bạch, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường, Phú Thọ đã thực hiện đấu giá công khai quyền khai thác khoáng sản, theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010. Để tiến hành thành công từng phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cơ quan thường trực đấu giá của tỉnh là Sở TN&MT đã phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản của Sở Tư pháp chuẩn bị kỹ mọi điều kiện, thủ tục liên quan theo luật định, nhằm bảo đảm thời gian đấu giá nhanh, đúng trình tự, thủ tục và quy định hiện hành.

Phú Thọ đã phê duyệt Phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản của 36 mỏ. Đến nay, đã có 34 mỏ đã thực hiện đấu giá, có 32 mỏ đã được đấu giá thành công với tổng số tiền thu về cho ngân sách nhà nước qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản) đạt hơn 940 tỉ đồng, tăng thu ngân sách so với giá khởi điểm ước đạt 673 tỉ đồng.

Hiện tại, đã có hai mỏ đi vào hoạt động khai thác đều thuộc phường Minh Nông, TP Việt Trì là: Mỏ cát lòng sông Hồng tại Minh Nông 1 với có diện tích 28,7ha thuộc đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH xây dựng Gia Thịnh Phú Thọ và Mỏ cát lòng sông Hồng tại Minh Nông 2 với diện tích 17,13ha của đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH một thành viên Nhật Linh Phú Thọ.

Thực tế cho thấy, khi áp dụng hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá được sàng lọc cẩn thận, chỉ khi đủ điều kiện mới được tham gia đấu giá. Doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản phải chứng minh được năng lực tài chính (qua đấu giá); kinh nghiệm khai thác và cam kết sử dụng công nghệ khai thác chế biến hiện đại, đảm bảo về môi trường... Điều này đồng nghĩa với việc không còn “đất” cho những doanh nghiệp muốn “tay không bắt giặc” hoặc làm ăn chụp giật kiểu “ăn xổi ở thì”; loại bỏ những doanh nghiệp không đáp ứng về năng lực và cũng là đặt dấu chấm hết cho cơ chế “xin-cho”.

Tuy nhiên, khi thực hiện công tác đấu giá còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập như: Các quy định pháp luật về đấu giá tài sản và khoáng sản chưa đồng bộ. Nhiều nội dung của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP không phù hợp với Luật Đấu giá tài sản năm 2016: Giá khởi điểm, tiền đặt trước, đối tượng tham gia đấu giá, bán hồ sơ mời tham gia đấu giá. Đối với khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng khi đưa ra đấu giá gặp nhiều vướng mắc đối với việc hoàn trả kinh phí thăm dò giữa đơn vị trúng đấu giá với đơn vị đã đầu tư kinh phí thăm dò khoáng sản.

Chưa có quy định cụ thể như thời gian triển khai công tác đấu giá, tiêu chí xét chọn hồ sơ đấu giá, xử lý tiền trúng đấu giá, vấn đề hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phương thức thu, nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 63 Luật Đất đai năm 2013, các trường hợp cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, tổ chức, cá nhân được cấp phép phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất để thực hiện dự án (bao gồm cả các mỏ được cấp phép qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản); như vậy gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện dự án tại địa phương...

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Vừa qua, việc đấu giá ba mỏ cát thuộc địa phận thành phố Hà Nội, với tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến thu về cho ngân sách nhà nước lên đến gần 1.700 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, dấy lên những lo ngại nguy cơ tiềm ẩn đối với thị trường vật liệu xây dựng. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023, chỉ đạo rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản; kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.

Tại Phú Thọ, những năm trở lại đây, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản được tổ chức đúng trình tự, thẩm quyền, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Ngày 14/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 2421/KH-UBND về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh. Trong đó, giao Sở TN&MT thông báo công khai danh mục khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá thông tin cơ bản về điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản; các thông tin về cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Phối hợp với sở, ngành liên quan xác định diện tích, trữ lượng khu vực khoáng sản đấu giá; xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước. Xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Cùng với đó, Phú Thọ đã xây dựng các quy hoạch, kế hoạch về khoáng sản theo đúng quy định, làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng tài nguyên được chặt chẽ, hiệu quả; công tác thẩm định hồ sơ về khoáng sản ngày càng chặt chẽ; cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện tốt; đã giải quyết được nhiều tồn tại trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, không để xảy ra “điểm nóng” về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Khắc Định - Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở TN&MT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở TN&MT, trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm và chất lượng chuyên môn trong việc thẩm định, phê duyệt, xác nhận trữ lượng khoáng sản theo kết quả thăm dò nhằm đánh giá chất lượng, trữ lượng tài nguyên đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định để phục vụ công tác cấp phép, xác định các nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân phải thực hiện với Nhà nước.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là các vấn đề về ranh giới, trữ lượng mỏ, sản lượng, công suất khai thác hàng năm... Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-dau-gia-quyen-khai-thac-khoang-san/203306.htm