Tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa có Công văn số 3558/SVHTT-QLDT về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố.

Ảnh minh họa

Theo đó, Sở đề nghị các cấp cần thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, các quy định pháp luật khác có liên quan và Quy chế Quản ỉý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17-11-2016 trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thực hiện các văn bản chỉ đạo chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, văn bản hướng dẫn do Sở Văn hóa và Thể thao ban hành trong thời gian qua, đảm bảo quản lý chặt chẽ di tích, hạn chế tối đa các vi phạm di tích.

Xây dựng kế hoạch tu bổ di tích thuộc trách nhiệm quản lý, trong đó phải xác định danh mục, kinh phí đầu tư và lộ trình thực hiện tu bổ tôn tạo di tích phục vụ phát triển du lịch; xác định danh mục các di tích xuống cấp theo thứ tự ưu tiên và xây dựng kế hoạch đầu tư kinh phí và huy động xã hội hóa để tu bổ di tích đến năm 2030; trước mắt cần tập trung vào các di tích xuống cấp nặng, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn.

Yêu cầu các dự án bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di tích văn hóa trên địa bàn Thành phố phải được sự thỏa thuận của cấp xếp hạng di tích theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa. Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục về di sản văn hóa và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về giá trị di sản văn hóa cũng như hiểu biết về việc bảo vệ, giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di tích; Tăng cường giám sát chuyên môn, kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích để nâng cao chất lượng các dự án tu bổ di tích, cũng như phát huy trách nhiệm giám sát cộng đồng để kịp thời phát hiện sai sót trong quá trình triển khai các dự án nhằm bảo vệ, giữ gìn các yếu tố gốc cấu thành di tích và lính tâm linh của di tích trong quá trình bảo quản, tu bổ.

Yêu cầu các phường, xã, thị trấn có di tích thành lập hoặc kiện toàn Ban quản lý di tích để thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 4 Điều 19 Quy chế Quản lý di tích, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên trong Ban, từ đó gắn trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi xảy ra sai phạm tại di tích.

T.Quang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-bao-quan-tu-bo-phuc-hoi-di-tich-lich-su-van-hoa-va-danh-lam-thang-canh-122707.html