Tăng cường quản lý Nhà nước về KH&CN: Nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Cùng với sự phát triển của KH&CN cả nước, những năm gần đây, ngành KH&CN tỉnh Quảng Ninh đã có những bước tiến vượt bậc, thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế, tăng năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Các kết quả nổi bật trong hoạt động KH&CN đã và đang ghi nhận những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước.

Nhằm thúc đẩy hoạt động thi đua sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, Sở KH&CN đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc thi. (Trong ảnh: Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ 5)

Làm tốt công tác tham mưu

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về KH&CN, thời gian qua Sở KH&CN đã tập trung làm tốt công tác chuyên môn. Nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động KH&CN được triển khai đã góp phần thúc đẩy hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đề án xây dựng Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; hỗ trợ tổ chức, cá nhân về Sở hữu công nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; quy định quản lý một số hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ chuyển giao KHKT trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Đặc biệt việc tham mưu thực hiện hiệu quả Nghị quyết 07 đã đưa hoạt động KH&CN của tỉnh ngày càng phát triển. Trên cơ sở các cơ chế, chính sách đã ban hành, phương thức đầu tư cho KH&CN được vận hành theo tư duy mới, hiệu lực, hiệu quả hơn, đảm bảo khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thành tựu vượt bậc. (Trong ảnh: Nhiều thiết bị hiện đại được đầu tư phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế TX Đông Triều - Nguyễn Hoa).

Bên cạnh hoạt động triển khai đề tài, dự án, các hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, sở hữu trí tuệ, quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, thanh tra, thông tin – thống kê KH&CN, thông báo và hỏi đáp về rào cản kỹ thuật trong thương mại cũng được đẩy mạnh. Hai năm gần đây, Sở đã tiến hành thẩm định công nghệ cho gần 200 hồ sơ dự án đầu tư; tổ chức tập huấn, giới thiệu công nghệ định hướng giúp doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn tỉnh; phê duyệt mạng điểm quan trắc phông phóng xạ môi trường. Năm 2018, thẩm định cấp 31 giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho 45 thiết bị của các cơ quan, đơn vị y tế…

Hoạt động quản lý KH&CN ở cơ sở cũng từng bước được tăng cường, nội dung hoạt động ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, phục vụ có hiệu quả sản xuất và đời sống. Việc phân cấp, ủy quyền cho các ngành, địa phương quản lý các nhiệm vụ KH&CN cũng đã thúc đẩy tính chủ động của các đơn vị trong công tác quản lý về KH&CN.

Công tác thanh tra, kiểm tra về KH&CN được triển khai thực hiện thường xuyên, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: Tiêu chuẩn đo lường chất lượng xăng, dầu, khí hóa lỏng; mã số, mã vạch; an toàn bức xạ hạt nhân; sở hữu trị tuệ... Từ năm 2017 đến nay, Sở đã triển khai phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện trên 10 cuộc thanh tra, kiểm tra với gần 200 tổ chức, cá nhân. Kết quả thanh kiểm tra đã góp phần làm lành mạnh thị trường, đảm bảo tính công bằng về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các chủ thể sản xuất, kinh doanh; đồng thời, nâng cao vai trò kiểm soát của Nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực thi pháp luật.

Sở KH&CN đã hướng dẫn các doanh nghiệp, địa phương lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu với các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý

Để đảm bảo hoạt động KHCN của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả trong mọi lĩnh vực, lãnh đạo Sở KHCN cho biết: Sở sẽ tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN đảm bảo thực hiện tốt quy định của Luật KHCN và các quy định khác về KH&CN từ cấp tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về KH&CN tại các phòng chuyên môn của sở, phòng, đơn vị phụ trách KHCN cấp cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; rút ngắn quy trình xử lý, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.

Trong hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định, giám định công nghệ và chuyển giao công nghệ các dự án đầu tư. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động KH&CN, trong đó tập trung vào thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa để bảo vệ sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng… Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng để đảm bảo cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nhà nước.

Ngoài ra, tham mưu cho UBND tỉnh củng cố và tăng cường cán bộ giúp UBND cấp huyện quản lý về KH&CN cấp cơ sở; tăng cường vai trò và hoạt động của Hội đồng KHCN các cấp, nhất là cấp huyện. Sở cũng tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu kinh nghiệm về quản lý; tiếp cận, triển khai công nghệ phù hợp với đặc thù và điều kiện của địa phương; trình UBND tỉnh dành kinh phí thích ứng cho các hoạt động khảo sát, học tập kinh nghiệm về KH&CN.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/201908/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-ve-khampcn-nhieu-giai-phap-dong-bo-hieu-qua-2450712/