Tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người

Chiều 19.3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) với sự chủ trì của Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua năm 2011 và có hiệu lực từ năm 2012. Sau hơn 12 năm triển khai thi hành luật, công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đạt được nhiều kết quả; việc tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân; góp phần tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập so với các quy định hiện hành. Mặt khác, trong thời gian qua có nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước được ban hành, hệ thống pháp luật được sửa đổi và ngày càng hoàn thiện, những công ước quốc tế Việt Nam là thành viên có thêm các chính sách mới. Do đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân, việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết. Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại hội thảo

Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, góp ý vào những điều khoản cụ thể của dự thảo luật để cung cấp thêm những luận cứ khoa học, phục vụ quá trình thẩm tra và hoàn thiện dự án luật.

Tại hội thảo, các đại biểu tán thành sự cần thiết sớm sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành luật những năm qua; đánh giá cao dự án luật được nghiên cứu xây dựng công phu, thể hiện nhiều điểm mới, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về: phạm vi điều chỉnh và sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; đối tượng cần được tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; quyền và trách nhiệm cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người; các hành vi bị nghiêm cấm; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan về phòng, chống mua bán người...

Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát để nội luật hóa đầy đủ hơn các điều ước quốc tế liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên như Nghị định thư Palermo về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP).

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-ve-phong-chong-mua-ban-nguoi-i363346/