Tăng cường quản lý và giảm thiểu chất thải rắn

Theo thống kê, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 705 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt có lượng và thành phần đa dạng, có sự khác nhau phụ thuộc vào mức sống người dân và sự phát triển công nghiệp, thương mại của từng địa phương, trong đó rác thải hữu cơ chiếm 70-75%,...

Thực hiện phân loại rác thải để tái chế ở Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì.

(baophutho.vn) - Theo thống kê, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 705 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt có lượng và thành phần đa dạng, có sự khác nhau phụ thuộc vào mức sống người dân và sự phát triển công nghiệp, thương mại của từng địa phương, trong đó rác thải hữu cơ chiếm 70-75%, rác thải vô cơ chiếm 25-30%; rác có thành phần nhựa chiếm 8-16% và rác thải nguy hại chiếm 1-2%. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) phù hợp với đặc điểm từng thời kỳ, đặc biệt là quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp với Chiến lược quốc gia về quản lý, tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải do Công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Việt Trì, Công ty CP môi trường đô thị Phú Thọ, Ban quản lý các công trình công cộng huyện... và các tổ vệ sinh môi trường, tổ tự quản thu gom rác bằng xe chuyên dụng, xe đẩy tay thực hiện, sau đó đưa về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì và các điểm tập trung để xử lý theo các hình thức như phân loại tái chế, đốt, chôn lấp... Hiện nay, biện pháp xử lý đối với chất thải rắn chăn nuôi chủ yếu là phân được đưa xuống hầm biogas, lượng còn lại được thu gom sử dụng làm phân bón. Tuy nhiên, việc xử lý trước khi đem bón xuống đất cho cây trồng chưa thực sự có hiệu quả, đây là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường đất và nguồn nước, đặc biệt là đối với các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, việc xử lý chất thải rắn chăn nuôi vẫn chưa thực sự được kiểm soát chặt chẽ. Đối với chất thải rắn từ chăn nuôi gia cầm, phương án xử lý chủ yếu là đưa chế phẩm vi sinh vào thức ăn và thực hiện ủ tại nhà chứa phân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn cam kết đầu tư hệ thống xử lý phân theo công nghệ tiên tiến như trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ.Ông Nguyễn Vĩnh An - Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trước mắt, việc phân loại rác, xử lý tại chỗ rác hữu cơ tại khu vực nông thôn làm giảm lượng rác thải phát sinh do chất thải hữu cơ đã được xử lý tại chỗ; giảm mùi hôi tại điểm lưu trữ rác trong gia đình và các điểm tập kết rác, xe trung chuyển; tạo ra nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc tận dụng hố để trồng cây; giảm khối lượng rác vận chuyển của các đơn vị dịch vụ môi trường. Về hiệu quả lâu dài, giúp nâng cao ý thức của người dân; phù hợp với mục tiêu lâu dài của Luật BVMT mới ban hành là tăng cường phân loại rác tại nguồn; đáp ứng với chỉ tiêu môi trường trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong tương lai...”.Để phục vụ công tác xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn, tỉnh đã quan tâm đầu tư các trang thiết bị với 29 xe ép rác, 19 xe ô tô các loại, 14 xe công nông, trên 1.400 xe đẩy tay và các phương tiện thô sơ khác; duy trì 2 công ty môi trường đô thị, 22 hợp tác xã và 68 tổ, đội vệ sinh môi trường; thành lập thêm 2 trung tâm phát triển cụm công nghiệp và công trình công cộng...

Mô hình chăn nuôi bò chất lượng cao 3B theo quy trình khép kín sử dụng đệm lót an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường của anh Nguyễn Quang Minh ở khu 3, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa.
Hàng năm, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện các nhiệm vụ về BVMT, giai đoạn 2017-2020 đã phân bổ kinh phí xử lý và chế biến chất thải theo Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh với số tiền gần 96 tỉ đồng. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đã được đầu tư, tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực. Rác thải sinh hoạt ở khu vực đô thị cơ bản đã được thu gom, xử lý. Bước đầu đã hình thành được hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải từ tỉnh đến huyện, xã và khu dân cư. Tỉnh đã quan tâm, thu hút dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt tập trung bằng công nghệ hiện đại, phát điện. Nhận thức của người dân đối với công tác BVMT nói chung, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng được nâng lên. Việc thành lập mới và duy trì các tổ, đội thu gom rác thải; đầu tư thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dụng được quan tâm; công tác xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển cơ bản hoàn thành. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (thực hiện đạt 75%/tổng số khu dân cư nông thôn tập trung sau sáp nhập, vượt 10% mục tiêu đề ra).

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, số lượng gia súc của cả tỉnh là trên một triệu con, trong đó nhiều nhất là lợn; gia cầm trên 15 triệu con, trong đó, chủ yếu là gà, vịt. Trên địa bàn tỉnh hiện có 77/80 cơ sở áp dụng công nghệ biogas, chiếm 96,3%; 3/80 cơ sở áp dụng công nghệ máy tách phân, chiếm 4,4%; 35/80 cơ sở áp dụng biện pháp ủ phân hữu cơ, chiếm 43,8%; 2 cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp máy tách phân, hầm biogas và thực hiện ủ phân hữu cơ; 14/79 cơ sở dùng phân tươi làm thức ăn trực tiếp cho động vật thủy sản.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1998 với công suất thiết kế 60 tấn/ngày hiện đang hoạt động quá tải. Các lò đốt rác đã được lắp đặt tại các địa phương chưa đáp ứng đủ yêu cầu về BVMT về yêu cầu kỹ thuật. Mạng lưới thu gom, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xử lý rác thải theo quy hoạch thu gom, xử lý rác thải chưa được đầu tư đồng bộ. Phương tiện, trang thiết bị và lực lượng tham gia công tác thu gom, vận chuyển còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu. Bước đầu hình thành mạng lưới, tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, tuy nhiên còn mang tính tự phát, chưa có mô hình thống nhất hiệu quả để giao trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải.
Xác định cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, gây áp lực lên môi trường sống ngày càng cao, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển, các công trình xử lý rác thải đồng bộ tại các địa phương; nâng tỉ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn, xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các trục đường giao thông, các bãi rác cũ. Tiếp tục cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng các lò đốt rác đang hoạt động; tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị để thu gom, vận chuyển rác đến khu vực xử lý, phấn đấu trang bị xe chở rác chuyên dụng đủ năng lực vận chuyển cho tất cả các huyện, thành, thị; xây dựng các khu xử lý rác thải theo quy hoạch, có công nghệ xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục có cơ chế khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; có giải pháp thu hút các dự án xử lý chất thải rắn có công nghệ đốt tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường theo quy hoạch đến năm 2030, góp phần đảm bảo môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202203/tang-cuong-quan-ly-va-giam-thieu-chat-thai-ran-183001