TĂNG CƯỜNG SỰ CHỈ ĐẠO, GIÁM SÁT, GẮN KẾT CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, UBTV QUỐC HỘI ĐỐI VỚI HĐND CÁC CẤP

Sáng ngày 05/7, Ban Công tác đại biểu tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về 'Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp'.

Sáng ngày 05/7, Ban Công tác đại biểu tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Nguyễn Thị Thanh điều hành Hội thảo. Cùng tham dự có đại diện 16 Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đại diện Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn thảo luận, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, trong hệ thống chính trị của nước ta, Quốc hội và HĐND là các cơ quan thuộc hệ thống cơ quan dân cử. Theo các quy định của pháp luật hiện hành, Quốc hội có trách nhiệm hướng dẫn và giám sát hoạt động đối với HĐND. Tuy nhiên, các căn cứ pháp lý được hiển định và các quy định của luật trong quá trình thực hiện cũng chưa đủ rõ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về việc đổi mới tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử.

Từ đầu năm 2022 đến nay, qua việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 3 Hội nghị tổng kết về tổ chức và hoạt động của HĐND và 6 Hội nghị Thường trực HĐND ở 6 khu vực trên cả nước đã thu nhận được nhiều ý kiến từ các địa phương về nhiều nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND, trong đó có nội dung cần làm rõ mối quan hệ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND. Nhấn mạnh điều này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu vấn đề vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phải là cơ quan cấp trên của HĐND? Bởi vì nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan cấp trên của HĐND thì mới có thẩm quyền hướng dẫn hoạt động để giúp HĐND các cấp thực hiện tốt hơn thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới.

Từ những câu chuyện thực tiễn và từ những căn cứ pháp lý rà soát lại cho đến thời điểm này mới thấy rằng, cần phải có những văn bản tiếp theo để mối quan hệ giữa Quốc hội với HĐND các địa phương được gắn kết chặt chẽ hơn, mục tiêu là chặt chẽ, nhịp nhàng và cuối cùng là hiệu quả. Với một tinh thần như vậy, Đảng đoàn Quốc Hội đã giao Ban Công tác đại biểu triển khai nghiên cứu, xây dựng 2 Đề án, trong đó có Đề án “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp”.

Triển khai chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về việc giao cho Ban Công tác đại biểu tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo Tổ biên tập xây dựng Đề án và đã gửi xin ý kiến một số chuyên gia.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện Đề án, Ban Công tác đại biểu, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tổ chức Hội nghị khu vực phía Bắc để lắng nghe ý kiến trao đổi của các đồng chỉ về các nội dung cơ bản của dự thảo Đề án. Tiếp theo Hội nghị này, sắp tới, Ban Chỉ đạo Đề án sẽ tổ chức Hội nghị ở khu vực miền Trung và khu vực phía Nam để tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện Đề án báo cáo Đảng đoàn Quốc hội xem xét, quyết định.

Trưởng Ban Công tác đại biểu gợi mở, từ đòi hỏi thực tế trong tổ chức tiến hành các hoạt động của HĐND, các đại biểu góp ý vào các nội dung của dự thảo Đề án, nhất là những khó khăn, lúng túng nào trong tiến hành các hoạt động của HĐND cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản trở thành cẩm nang hướng dẫn cơ chế, chính sách cho HĐND thực hiện. Đối với nội dung tăng cường sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh lưu ý, giữa các cơ quan nêu trên là mối quan hệ đồng hành, phối hợp để cùng thực hiện những nhiệm vụ được giao. Như vậy, HĐND cần tăng cường sự phối hợp nào với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đã có sự tương đồng nhất định trong chức năng, nhiệm vụ.

Tại Hội thảo, đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc thống nhất cho rằng, trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện... đã có văn bản hướng dẫn cho HĐND các tỉnh, thành phố nhanh chóng, kịp thời giải quyết những nhiệm vụ, vấn đề đáp ứng đòi hỏi từ thực tế.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đại diện HĐND tại một số địa phương cho biết, đến nay thực tế hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp. Việc phối hợp và triển khai thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại một số tỉnh, thành còn thiếu tích cực, lập và gửi báo cáo giám sát chậm, chất lượng báo cáo còn hạn chế. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân và cử tri còn bất cập, chậm, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là chuyển đơn thư; công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện… Do vậy, các đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ của Đề án để qua đó sớm đưa Đề án áp dụng vào thực tế nhằm làm cơ sở căn cứ thực hiện hiệu quả, nâng cao sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp. Qua đó tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp.

Các đại biểu cũng kỳ vọng sớm ban hành, triển khai thực hiện các giải pháp, đề xuất được quy định tại Đề án và cho ý kiến để hoàn thiện thêm các phần thuộc dự thảo Đề án như: quan điểm, yêu cầu, sản phẩm của hoạt động của Đề án; đánh giá hoạt động giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra nhiều đề nghị cụ thể những nội dung trong thực hiện quy định pháp luật hiện hành cần có hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tạo cách làm thống nhất trên cả nước như: về việc ban hành chính sách đặc thù của địa phương; bố trí cán bộ, tổ chức bộ máy Thường trực, các Ban của HĐND; văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định cụ thể cho HĐND cấp tỉnh, huyện và xã; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách bảo đảm hoạt động hướng dẫn, giám sát, phối hợp của các cơ quan, đại biểu dân cử trong hệ thống cơ quan dân cử các cấp…

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố; các đại biểu Quốc hội. Tất cả những ý kiến đóng góp đều trên tinh thần xây dựng và sẽ được Ban Công tác đại biểu tiếp thu cùng với những đề xuất của các địa phương để hoàn thiện Đề án./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Công phát biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Văn Cài bày tỏ mong muốn đẩy nhanh tiến độ của Đề án về “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp” để có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Cẩm Phương đề cập về vai trò, trách nhiệm Thường trực HĐND khi thực hiện Đề án.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành nêu quan điểm, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên Giàng Thị Hoa cho rằng, HĐND cần chủ động giám sát các hoạt động của UBND, chứ không nên để UBND trình vấn đề gì thì mới thực hiện.

Trưởng ban Pháp chế tỉnh Ninh Bình Phạm Hồng Thái cho rằng, cần đánh giá thực trạng hoạt động của của HDND cấp cũng như quy định rõ ràng về chế độ chính sách với HĐND và đại biểu HĐND.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66265