Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Lao động đi làm việc ở nước ngoài là xu thế tất yếu của các quốc gia, là một bộ phận không thể tách rời trong Chương trình phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển KT-XH từng thời kỳ. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước rất lớn, là cơ hội để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển KT- XH của đất nước.

Nhận thức tầm quan trọng đó, ngày 8/5/2012, Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”. Tại tỉnh Quảng Trị, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt được một số kết quả tích cực.

Toàn tỉnh đã có 13.956 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giúp cho những gia đình có người xuất khẩu lao động tăng thu nhập, phát triển kinh tế, đồng thời tạo thêm cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tác phong làm việc chuyên nghiệp đối với những người xuất khẩu lao động, góp phần cung cấp cho xã hội đội ngũ lao động có chất lượng hơn sau khi về nước.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh. Số lượng lao động xuất khẩu tuy có tăng qua hằng năm nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, chưa trở thành nhu cầu rộng khắp tại các địa phương.

Người lao động chưa thực sự tin tưởng để tham gia hợp tác với các doanh nghiệp khi đi làm việc ở nước ngoài. Chi phí xuất khẩu lao động của một số thị trường tiềm năng khá cao; việc huy động vốn để xuất cảnh gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng lao động đi xuất khẩu chưa cao, chủ yếu là lao động phổ thông, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của một số lao động còn hạn chế. Một bộ phận thanh niên còn tư tưởng an phận, ngại đi xa, chưa chịu khó, chưa thực sự mạnh dạn đi xuất khẩu lao động.

Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế là do một số cấp ủy đảng chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ.

Ngoài các chế độ, chính sách của Trung ương, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ cho người lao động trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài. Công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa làm tốt vai trò cầu nối giữa người có nhu cầu xuất khẩu lao động với đơn vị tuyển dụng lao động. Doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất khẩu lao động của tỉnh còn ít và quy mô nhỏ…

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, ngày 14/4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Chương trình hành động về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Theo đó, giai đoạn 2023- 2025, chỉ tiêu số lao động được tạo việc làm mới bình quân hằng năm là 12.000 lao động, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài là 1.200 lao động; giai đoạn 2025- 2030, chỉ tiêu số lao động được tạo việc làm mới bình quân hằng năm là 12.500 lao động, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài là 1.500 lao động. Để đạt được mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác này. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, gắn với định hướng, chiến lược KT- XH và công tác đối ngoại của tỉnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Xây dựng chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong kế hoạch phát triển KTXH hằng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chú trọng thông tin kịp thời, khách quan về tình hình lao động của tỉnh ở nước ngoài, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động, thông tin về thị trường lao động ngoài nước, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm để giúp người lao động chủ động lựa chọn thị trường lao động, lựa chọn doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, lồng ghép các nội dung về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các buổi sinh hoạt của tổ chức. Động viên, khuyến khích doanh nghiệp tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao và tình hình an ninh chính trị ổn định. Tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động trên địa bàn toàn tỉnh, chú trọng vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển để tư vấn, tuyển chọn lao động xuất khẩu.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề nhằm tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người lao động khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

Các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuyển chọn, đào tạo nghề cho người lao động sát với yêu cầu, trình độ mà thị trường đòi hỏi hoặc đang có nhu cầu. Hằng năm, tổ chức điều tra nhu cầu việc làm, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi của người lao động và nhu cầu người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thường xuyên, định kỳ tổng hợp nhu cầu lao động đi làm việc ở nước ngoài, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp gặp gỡ, tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn đi xuất khẩu lao động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách. Xem xét ban hành chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm tỉnh Quảng Trị.

Chỉ đạo công khai, minh bạch các khoản phí, hướng đến giảm chi phí; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về tham gia thị trường lao động trong nước.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; kịp thời động viên, khen thưởng và xử lý nghiêm hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hải Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai/176865.htm