Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực

Ngày 22-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019.

NDĐT - Ngày 22-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019.

Ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực toàn xã hội

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) trên tất cả các lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01, 02 đề ra 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh; ban hành Chương trình tổng thể về THTKCLP năm 2019 và nhiều nghị quyết, chỉ thị để kịp thời chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Công tác THTKCLP trong cả nước có những chuyển biến tích cực, có đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019, ổn định kinh tế vĩ mô. Năng lực cạnh canh của nước ta được cải thiện vượt bậc, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt, bám sát nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, đạt được những kết quả quan trọng. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu; năng suất lao động tăng 6,2%, vượt mục tiêu đề ra; tỷ trọng đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng lên mức 46% cao hơn năm 2018 (43,3%); vốn FDI đạt kỷ lục 20,4 tỷ USD... Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu của Việt Nam tăng ba bậc so với năm 2018, xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Công tác đổi mới, sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tiếp tục được đẩy mạnh. Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử được triển khai tích cực, hướng tới nền hành chính công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu quả. Đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo lộ trình của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, gắn với nâng cao chất lượng và xã hội hóa.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, xét xử nghiêm minh. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối nhiệm kỳ và kế hoạch năm năm 2016-2020; tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng… Kế thừa những kết quả đạt được năm 2019 và thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ta ngày càng lớn mạnh, tình hình chính trị, xã hội ổn định, niềm tin của nhân dân được củng cố.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình khu vực, thế giới dự báo có những biến động khó lường.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 theo nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu KT-XH đã đề ra; kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên hàng đầu là kiên quyết phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, kể cả phải chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn.

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, ngân sách nhà nước

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Sau khi nghe báo cáo kết quả THTKCLP trong năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, công tác THTKCLP năm 2019 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc ban hành Chương trình THTKCLP báo cáo kết quả THTKCLP trong năm 2019 ở một số bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương còn chưa nghiêm, đến tháng 5, tháng 6- 2019 mới ban hành chương trình THTKCLP, đến thời điểm tổng hợp báo cáo Ủy ban TVQH còn 4/35 bộ, cơ quan Trung ương, 7/63 tỉnh, thành phố không gửi báo cáo kết quả THTKCLP. Bên cạnh đó, một số báo cáo không nêu cụ thể số liệu, kết quả tiết kiệm chống lãng phí tại ngành, đơn vị.

Về báo cáo kết quả THTKCLP năm 2019 của Chính phủ: Về cơ bản, Báo cáo của Chính phủ đã khái quát tổng thể được kết quả THTKCLP năm 2019. Tuy nhiên, một số nhận định, đánh giá chưa có số liệu minh chứng cụ thể, còn chung chung; chưa thuyết minh cụ thể việc xử lý vi phạm trong THTKCLP; chưa đánh giá, so sánh một số chỉ tiêu so với mục tiêu đặt ra năm 2018.

Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách thủ tục hành chính: Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; một số cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, dễ bị lợi dụng, dễ nảy sinh tham nhũng.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu một số văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng về đất đai, tiếp tục nhận được ý kiến phản ánh chưa hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Theo báo cáo thẩm tra, về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước: Việc cơ cấu lại ngân sách và kỷ luật thu chi ngân sách đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế. Việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư, chậm giao vốn... dẫn đến chuyển tiếp kéo dài, lãng phí nguồn lực; nhiều địa phương giải ngân đạt thấp; một số bộ, ngành, địa phương phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí; dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện,...

Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia (Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số dự án phải lùi tiến độ, tăng thêm vốn, tổng mức đầu tư gây tốn kém làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác (Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội)…

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, các tồn tại, hạn chế trong THTKCLP năm 2019 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do ý thức THTKCLP của một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao và có việc chưa thực hiện nghiêm túc việc quy trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật THTKCLP; công tác quản lý hoạt động thanh tra có lúc có nơi còn buông lỏng, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, kiểm soát THTKCLP...

Vì thế, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong THTKCLP.

Không để những tồn tại, hạn chế tiếp tục lặp lại

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chia sẻ qua kinh nghiệm và ứng phó xử lý Covid-19 thời gian qua đã gợi ra cho tất cả chúng ta phải nhìn nhận lại cách sống, cách kiểm soát để từ đó có hướng thay đổi tổ chức các lễ hội, giao lưu… sẽ tiết kiệm được rất lớn không chỉ của Nhà nước mà của toàn xã hội.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, từ đầu năm đến nay rất nhiều khoản tiết kiệm bình thường chưa làm được mà trong tình hình dịch bệnh đã thực hiện được tiết kiệm cho đất nước rất nhiều.

Báo cáo của Chính phủ mới tập trung nhiều ở lĩnh vực công, trong khi mục tiêu của Luật THTKCLP còn hướng đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở khu vực của xã hội, của người dân.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nói đến tiết kiệm, chống lãng phí thì không phải tiết kiệm tiền bạc mà trước hết là thời gian lao động, sức lao động, tiền bạc, tài sản, tài nguyên. Thời gian lao động, tiền bạc, tài sản, tài nguyên nằm ở trong quá trình sản xuất kinh doanh, trong quá trình vận hành bộ máy hành chính nhà nước của cả hệ thống chính trị, trong chi tiêu thường xuyên, trong chi tiêu đầu tư công. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong đầu tư công hay chi tiêu công không chỉ có lãng phí khi chi tiền mà còn từ khâu chủ trương, lãng phí từ chủ trương cho tới thực hiện.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu tiết kiệm được thời gian dẫn đến tiết kiệm được sức lao động, nhân lực và tiết kiệm tiền bạc bỏ ra, chi phí sẽ giảm đi. Thủ tục hành chính công mà làm nhanh thì người dân đỡ mất thời gian, công sức, đỡ tốn kém phải đi tới, đi lui nhiều lần.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ hiện nay còn một số mảng để xảy ra lãng phí. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong vụ việc xuất khẩu gạo vừa qua, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế thống kê quá trình diễn biến cho thấy những khó khăn, lúng túng trong thực hiện dẫn đến gây lãng phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ở đây là phần trách nhiệm của bộ máy công vụ để giải quyết những thủ tục hành chính cho người dân và cho doanh nghiệp mới gọi thực là tiết kiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hiện nay lễ hội quá nhiều. Mặc dù nói không sử dụng ngân sách nhưng huy động của xã hội, tiền của doanh nghiệp tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân thì vẫn là lãng phí. Vì vậy, đề nghị Chính phủ lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động, để tất cả những nguồn lực đó dành cho dân, cho cuộc sống của nhân dân, giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng cần phải phân tích sâu hơn một số tồn tại, hạn chế trong điều hành của một số cấp, ngành, dẫn tới chưa thật sự tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp, dẫn tới lãng phí cho xã hội, cho doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành đến nay vẫn chưa có báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tình trạng này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhắc nhở, phê bình thời điểm năm trước, nhưng năm nay vẫn tiếp diễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần chỉ rõ các địa phương này và kiến nghị Quốc hội phê bình nghiêm khắc.

Nhất trí với những tồn tại, hạn chế trong Báo cáo của Chính phủ đã trình bày, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh thêm: Công tác triển khai đầu tư công làm chưa tốt, triển khai đầu tư công chậm, giải ngân chậm, kỷ luật tài chính tuy tiến bộ nhưng vẫn chưa nghiêm, vi phạm về kinh tế còn lớn; quản lý tài sản công thì chưa thật chặt chẽ, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ rừng cũng chưa thật tốt…

Cơ bản nhất trí với những kiến nghị của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần THTKCLP một cách quyết liệt hơn, phải tập trung để giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém đã diễn ra trong năm 2019, để không còn mắc lại trong năm 2020.

Mặt khác, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý năm 2020 phải tính tới tình trạng dịch Covid-19, quan hệ xã hội, kinh doanh, sản xuất, điều hành cũng phải có những thay đổi, phải đặc biệt chú ý đến công tác xử lý những hỗ trợ của nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả, phải đến tay người dân, đồng thời có xử lý kịp thời trong tình hình mới.

VĂN CHÚC - BẢO YẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44187802-tang-cuong-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-tren-tat-ca-cac-linh-vuc.html