Tăng cường thực thi pháp luật phòng chống buôn bán động vật hoang dã

Hội thảo 'Đánh giá tình hình vi phạm và tội phạm về động vật hoang dã trong 5 năm (2013-2017) thông qua thống kê, phân tích các vụ việc bắt giữ, xử lý' đã báo động về mức độ nghiêm trọng của loại hình tội phạm hình sự về động vật hoang dã (ĐVHD) hiện nay.

Cụ thể, trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra ngày 16/11 tại Hà Nội, do Tổ chức WCS Việt Nam chủ trì tổ chức, hơn 40 đại biểu đến từ các cơ quan thực thi pháp luật như Viện Kiểm sát, Cảnh sát môi trường, Hải quan, Kiểm Lâm, Tòa án và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã tham dự. Hội thảo nhằm chia sẻ, lấy ý kiến góp ý về nội dung báo cáo do WCS Việt Nam phối hợp với Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin - Cục 2, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thực hiện.

Kiểm tra, bắt giữ lô hàng ngà voi tại Đà Nẵng (Ảnh: Tổng cục Hải quan cung cấp)

Kiểm tra, bắt giữ lô hàng ngà voi tại Đà Nẵng (Ảnh: Tổng cục Hải quan cung cấp)

Báo cáo đã được soạn thảo, dựa trên dữ liệu thu thập được từ các Viện kiểm sát nhân dân địa phương trên toàn quốc, các ngành (Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng…), và dựa trên 60 chỉ số đề xuất bởi Liên minh phòng chống tội phạm về các loài động thực vật hoang dã toàn cầu (ICCWC). Các con số thống kê trong báo cáo cho thấy từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2017, có 1,504 vi phạm về bảo vệ ĐVHD; 41,328 kg cá thể và sản phẩm ĐVHD, 1,461 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD; 432 bị cáo bị xét xử trong các vi phạm hình sự về ĐVHD, 16 tỷ tiền phạt đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Qua đó, có thể thấy được mức độ nghiêm trọng của loại hình tội phạm này diễn biến qua các năm.

Khai mạc Hội thảo, bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức WCS Việt Nam đã chia sẻ: “Với lợi nhuận được đánh giá xếp sau hoặc gần như ngang bằng với buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn bán người, tình trạng buôn bán trái pháp luật ĐVHD đang diễn biến ngày càng phức tạp. Việt Nam không chỉ bị coi là một quốc gia tiêu thụ ĐVHD mà còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán trái pháp luật ĐVHD xuyên quốc gia và xuyên lục địa. Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh với nạn buôn bán và vận chuyển trái pháp luật ĐVHD.”

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về các đề xuất và khuyến nghị cho các bước tiếp theo bao gồm tăng cường thực thi pháp luật dựa trên kết quả thống kê, phân tích để xác định phương thức thủ đoạn, quy luật hoạt động (điểm nóng, tuyến đường) của các đối tượng, đường dây, ổ nhóm để xây dựng kế hoạch hành động thực thi pháp luật một cách hiệu quả, toàn diện. Ngoài ra, một cơ quan đầu mối và hệ thống cơ sở dữ liệu chung về vi phạm liên quan đến ĐVHD cần được thiết lập để hỗ trợ các lực lượng, cơ quan chức năng truy xuất thông tin vi phạm về ĐVHD dễ dàng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Điều tra, xử lý vi phạm về Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, đã chia sẻ: “Công tác thống kê của chúng ta hiện nay hiện chưa về một mối, đặc biệt là về ĐVHD. Mỗi bên lại có đặc thù riêng, có chế độ quản lý và xử lý khác nhau, cần một mẫu biểu thông tin mang tính chất toàn diện và phần mềm hỗ trợ công tác thu thập, tổng hợp số liệu giúp cơ quan có thẩm quyền phân tích, để đưa ra giải pháp tốt hơn”.

Tổ chức WCS sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin - Cục 2, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hoàn thiện báo cáo và từng bước xây dựng kế hoạch thực hiện các đề xuất nói trên. Kết quả được kỳ vọng là sẽ có một hệ thống thống kê, báo cáo chính xác để có thể giúp phân tích và dự báo xu hướng tội phạm và từ đó, mỗi cơ quan chức năng có được các can thiệp và hành động cụ thể đấu tranh với các vi phạm về ĐVHD.

Trước đó, tại Hội nghị quốc tế về Chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã tháng 10 vừa qua tại London, Vương Quốc Anh, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã phát đi thông điệp về tính cấp bách cần đối phó với tội phạm buôn bán ĐVHD có tổ chức, về sự cần thiết của việc hợp tác giữa khu vực tư, công, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nghiên cứu nhằm áp dụng công nghệ và sáng kiến trong thực thi pháp luật, và quan trọng hơn cả, là nhằm đóng cửa các thị trường buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Để chứng minh cho các nỗ lực thực thi pháp luật, kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 có hiệu lực vào ngày 1/1/2018, ngày càng có nhiều vụ việc buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã được phát hiện và bắt giữ. Cụ thể với các vụ việc điển hình gần đây vào ngày 5 tháng 10 năm 2018, 10 tấn ngà voi, vẩy tê tê nhập khẩu từ Nigeria về cảng Tiên Sa, Đã Nẵng; mùng 2 tháng 11 năm 2018, 800 kg vẩy tê tê giấu trong 3 container gỗ từ châu Phi về cảng Hải Phòng, đã bị lực lượng chức năng Việt Nam thu giữ và điều tra.

HNV

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/tang-cuong-thuc-thi-phap-luat-phong-chong-buon-ban-dong-vat-hoang-da-505178.html