Tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư

Thực hiện phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, không để chuyện “bé xé ra to”, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã hòa giải nhiều mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tăng thêm tình làng, nghĩa xóm bền chặt.

Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Sông Mã trao đổi với Tổ hòa giải cơ sở bản Lướt, xã Chiềng Khoong.

Ông Sòi Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin: Mục đích của hòa giải ở cơ sở là giữ gìn sự đoàn kết, giải quyết tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân; củng cố, phát huy tình cảm, truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.

Hằng năm, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải cơ sở theo quy định. Công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở được ban hành đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.424 tổ hòa giải cơ sở, với 14.604 hòa giải viên. 7 tháng qua, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận, giải quyết thành công 806/948 vụ việc. Các vụ việc hòa giải chủ yếu là mâu thuẫn, xích mích về đất đai; mâu thuẫn do quan niệm, lối sống trong gia đình; tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh trong dân sự, hôn nhân gia đình. Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở khi được hòa giải kịp thời đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp.

Do mâu thuẫn về tranh chấp đường vào khu vực sản xuất, gia đình ông T.V.D và Ông L.V.L, bản Lướt, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, thường xuyên xảy ra xích mích, lời qua tiếng lại. Nắm được tình hình, các thành viên tổ hòa giải của bản đã đến khuyên giải, phân tích cho 2 gia đình. Ông D chia sẻ: Các thành viên tổ hòa giải đến giải thích, chúng tôi đã hiểu và nhất trí dịch chuyển bờ rào để tạo lối đi rộng rãi, thuận lợi cho gia đình và bà con trong bản lên khu vực sản xuất.

Ông Lò Văn Thu, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải bản Lướt, xã Chiềng Khoong, cho biết: Tổ hòa giải có 8 thành viên, có kinh nghiệm và uy tín trong cộng đồng; có năng lực truyền đạt, phân tích. Khi tiếp nhận vụ việc, tổ họp bàn và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất, nên những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong khu dân cư đều được giải quyết thỏa đáng, thấu tình đạt lý.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, 29 xã, thị trấn của huyện Thuận Châu đã củng cố, kiện toàn hoạt động 387 tổ hòa giải, với 2.320 hòa giải viên. Từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 63 vụ việc; trong đó, hòa giải thành công 45 vụ việc. Ông Lò Văn Lưu, Trưởng phòng Tư pháp huyện Thuận Châu, cho hay: Khi hòa giải, các hòa giải viên dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động đến tâm tư, tình cảm của các bên và quy định của pháp luật để giải thích, hướng dẫn, giúp họ hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình để dàn xếp ổn thỏa với nhau. Vì thế, hàng năm, các vụ việc hòa giải thành công ở huyện luôn đạt tỷ lệ cao.

Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở đã tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ ổn định tình hình ANTT trên địa bàn. Ngành Tư pháp đang tiếp tục kiện toàn đội ngũ hòa giải viên theo hướng nâng cao chất lượng; hướng dẫn giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở, nhất là hòa giải các vụ việc khó, phức tạp; huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo tinh thần xã hội hóa; giúp công tác hòa giải ở cơ sở đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Bài, ảnh: Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phap-luat/tang-cuong-tinh-doan-ket-trong-cong-dong-dan-cu-xvqTYggIg.html