Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Chế biến cà phê tại một doanh nghiệp ở Phú Yên. Ảnh: PV

Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến sức khỏe con người, đến sự phát triển giống nòi, phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, công tác ATTP đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Từng bước nâng cao nhận thức, ý thức

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ nằm ở khâu xử lý hành chính, mà phải ngăn chặn từ gốc sản phẩm. Chính vì thế, để đảm bảo ATTP, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng.

Phú Yên có gần 10.000 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về ATTP luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người trong công tác đảm bảo ATTP.

Hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATTP trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhiều đối tượng luôn được các ngành Y tế, NN-PTNT, Công thương quan tâm và đẩy mạnh, đặc biệt tập trung vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng Hành động vì ATTP và Tết Trung thu. Nhận thức, thực hành về ATTP của các nhóm đối tượng đã có sự chuyển biến tích cực, người sản xuất, kinh doanh đã ý thức trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Tình hình ngộ độc thực phẩm trong tầm kiểm soát, không có ca ngộ độc thực phẩm nào được ghi nhận trong cộng đồng. Năm 2019, điện thoại đường dây nóng của các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận cuộc phản ánh nào về sự cố mất ATTP...

Công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP được phân công cụ thể theo từng ngành, từng nhóm sản phẩm, thực phẩm nên hạn chế được sự chồng chéo, trùng lặp. Năm 2019, các đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh và các huyện, thanh tra chuyên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 9.298 cơ sở, trong đó có 8.219 cơ sở đạt, 90 cơ sở bị hủy sản phẩm, 875 cơ sở bị nhắc nhở; đã tiến hành xử lý 114 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 206 triệu đồng. Từ các biện pháp thiết thực được triển khai, nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật, hiểu biết của người quản lý, người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước được nâng cao, ngăn ngừa các vi phạm về ATTP, hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Công tác hậu kiểm, giám sát mối nguy được tăng cường, nhiều thực phẩm được lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm đã góp phần tích cực giúp các ngành quản lý đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, đồng thời cảnh báo mối nguy và triển khai việc thanh tra dựa trên nguy cơ đạt hiệu quả.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh

Tháng Hành động vì ATTP là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng thực phẩm không an toàn.

Theo Thầy thuốc ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ nằm ở khâu xử lý hành chính, mà phải ngăn chặn từ gốc sản phẩm. Chính vì thế, để đảm bảo ATTP, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng.

Các ngành Y tế, NN-PTNT, Công thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về bảo đảm ATTP cho các đối tượng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP, kết hợp làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm có mức tiêu thụ lớn do diễn biến phức tạp của COVID-19. Các đơn vị, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định, đồng thời công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng. Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo đảm ATTP; khuyến cáo cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm thực hiện tốt đạo đức kinh doanh, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, phát hiện và tố giác hành vi vi phạm.

“Hưởng ứng Tháng Hành động vì ATTP năm 2020, chung tay phòng chống dịch COVID-19, Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh - mong muốn các cá nhân, tổ chức nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện đúng chỉ đạo về bảo đảm ATTP của các cấp, các ngành chức năng nhằm đảm bảo sức khỏe, nâng cao sức chiến đấu, chung tay phòng chống dịch bệnh”, bác sĩ Mộng Ngọc nói.

NGUYÊN NHẠN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/239168/tang-cuong-trach-nhiem-cua-nguoi-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham.html