Tăng cường trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018, cùng với việc tăng độ che phủ rừng của cả nước đạt 42%, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại nhiều địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giảm 15% số vụ vi phạm và 33% diện tích thiệt hại so năm 2017.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018, cùng với việc tăng độ che phủ rừng của cả nước đạt 42%, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại nhiều địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giảm 15% số vụ vi phạm và 33% diện tích thiệt hại so năm 2017.

Tuy vậy, tình trạng phá rừng trái pháp luật, đặc biệt phá rừng tự nhiên để trồng rừng, khai thác lâm sản vẫn diễn ra ở một số nơi. Nhiều vụ việc phá rừng diễn ra với quy mô lớn, trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện và xử lý, hoặc chỉ xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Trong tổng số hơn 6.000 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng ở các địa phương phía bắc, đã xử lý 5.378 vụ, trong đó, khởi tố hình sự 66 vụ (chiếm hơn 10%), còn lại gần 90% vụ chỉ xử lý hành chính. Một số chủ rừng buông lỏng quản lý; cập nhật, báo cáo diện tích rừng bị phá không trung thực; thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả đối với diện tích rừng bị phá. Thậm chí nhiều người còn viện lý do chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn thấp, còn thiếu, trong khi tính chất công việc lại vất vả, nguy hiểm, cho nên không thể tạo động lực để gắn bó với rừng.

Cùng với đó là tình trạng không ít địa phương tìm cách “lách luật” nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Chỉ tính riêng khu vực phía bắc, trong năm 2018 đã có tới 29 trong số 31 tỉnh, thành phố lập 2.259 dự án đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, với tổng diện tích gần 84 nghìn héc-ta. Trong đó, rừng tự nhiên là 21.155 ha. Tuy nhiên, qua rà soát, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên của 12 tỉnh, với 53 dự án, tổng diện tích rừng là 506 ha...

Rừng có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường. Đặc biệt, rừng là lá chắn ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, hạn chế lũ quét, sạt lở đất, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết hiện nay vai trò đó càng đặc biệt quan trọng. Vì vậy, để bảo vệ, phát triển rừng bền vững, cùng với việc khẩn trương triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua năm 2017, cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Khắc phục sự chồng chéo trong quản lý và khai thác tài nguyên rừng giữa các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Tài nguyên và Môi trường, Công thương, nhằm tăng trách nhiệm, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ khai thác rừng trái phép, lợi dụng chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng để phá rừng. Bộ NN và PTNT cũng cần rà soát lại Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã vượt mục tiêu đề ra, cần điều chỉnh theo hướng giảm gỗ xuất, tăng tỷ trọng xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ. Đồng thời, xây dựng các đề án gắn mục tiêu bảo vệ, quản lý rừng bền vững, với tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, chủ rừng thực hiện trồng rừng thâm canh.

Nhiều năm nay, phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã được cả nước thực hiện khá thiết thực, hiệu quả với việc sử dụng các giống cây trồng chất lượng tốt, góp phần mang lại mầu xanh cho đất nước. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đã đề ra, phát triển rừng bền vững, bên cạnh việc tăng cường hiệu quả bảo vệ cũng như trồng mới, cần quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống của lực lượng giữ rừng và người dân sinh sống gần rừng. Tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng kiểm lâm, với vai trò là tổng chỉ huy về lâm nghiệp trên địa bàn, cùng các lực lượng chức năng, người dân kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng.

NGỌC ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38577502-tang-cuong-trach-nhiem-quan-ly-bao-ve-rung.html