Tăng cường trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về

Thời gian qua, mặc dù số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL) cho nạn nhân bị mua bán sau khi trở về chưa nhiều, nhưng nhiều người đã được trợ giúp kịp thời.

Theo Cục TGPL - Bộ Tư pháp, thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 15/KH-BCĐ triển khai thực hiện Chương trình, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 420/QĐ-BTP ngày 14/3/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tư pháp giao cho Cục TGPL là đơn vị đầu mối xây dựng tài liệu truyền thông và tổ chức tập huấn cho trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư về kiến thức và kỹ năng TGPL cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Đồng thời nghiên cứu, đánh giá thực trạng và nhu cầu TGPL của nạn nhân bị mua bán để tăng cường hiệu quả TGPL đối với nạn nhân; phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh/thành phố thực hiện TGPL cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Ảnh minh họa (PLVN)

Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông về TGPL cho nạn nhân bị mua bán trở về, các Trung tâm TGPL nhà nước còn tập trung vào việc thực hiện các vụ TGPL theo các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng và các hình thức khác trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến hết năm 2017, Trung tâm TGPL tỉnh, thành phố đã TGPL miễn phí cho 188 nạn nhân bị mua bán, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong đó, 50% TGPL theo hình thức tư vấn pháp luật, 40,9% theo hình thức tham gia tố tụng, 8,5% theo hình thức khác.

Cục TGPL đánh giá, mặc dù số lượng vụ việc TGPL cho nạn nhân bị mua bán do các Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện trong thời gian qua chưa phải là nhiều, nhưng nhiều nạn nhân đã được trợ giúp kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc pháp luật khi trở về địa phương, đòi bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Qua những vụ việc cụ thể này đã giúp nạn nhân và người thân của họ cũng như cộng đồng và xã hội hiểu biết hơn, tin tưởng hơn vào chính sách, các quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam về phòng, chống mua bán người, các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người ở trong nước và nước ngoài, trên cơ sở đó nâng cao ý thức cảnh giác, biết cách tự phòng ngừa và chống lại tội phạm mua bán người.

Đồng thời, giúp các nạn nhân hiểu và tin tưởng hơn vào chính sách nhân đạo và chính sách TGPL nhà nước; vào năng lực của các Trung tâm TGPL nhà nước, các Trợ giúp viên pháp lý.

Đặc biệt, nhiều Trợ giúp viên pháp lý, luật sư được cử tham gia bào chữa hoặc đại diện cho nạn nhân tại các phiên tòa đã kịp thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, bảo đảm công lý, mang lại thiện cảm và niềm tin vào tổ chức TGPL nhà nước cũng như đội ngũ người thực hiện TGPL. Một số nạn nhân được TGPL đã tham gia tích cực cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan chung tay góp phần đẩy lùi tội phạm mua bán người…

Để nâng cao hiệu quả công tác TGPL cho nạn nhân bị mua bán trở về, thời gian tới, Cục TGPL sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông về TGPL và phòng, chống mua bán người; cung cấp số điện thoại đường dây nóng, danh sách địa chỉ, số điện thoại của người thực hiện TGPL, Trung tâm và Chi nhánh, các tổ chức tham gia TGPL.

Tiếp tục nâng cao năng lực của người thực hiện TGPL, không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng TGPL mà còn cần hiểu biết về tâm lý và cách thức tiếp cận, trao đổi với người được TGPL là nạn nhân bị mua bán. Bố trí địa điểm tiếp phù hợp cho nạn nhân bị mua bán người để họ trình bày cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc khi họ có yêu cầu được tiếp riêng.

Thu Trang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cuong-tro-giup-phap-ly-cho-nan-nhan-bi-mua-ban-tro-ve-80543.html