Tăng cường truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho kiều bào

Truyền thông chính sách, pháp luật góp phần quan trọng giúp đồng bào ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chiều 15/11, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Tạp chí Luật Việt Nam và Diễn đàn pháp lý (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Tăng cường truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài".

Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.

Thông tin tại hội thảo cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; phần lớn đồng bào đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu vào xã hội sở tại.

Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào vẫn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Trong nhiều năm qua, truyền thông chính sách, pháp luật góp phần quan trọng giúp đồng bào ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chủ trương, chính sách về công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Truyền thông chính sách, pháp luật cũng trở thành cầu nối để truyền tải những vướng mắc, khó khăn, tâm tư của bà con kiều bào tới Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước, góp phần gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất các giải pháp tăng cường truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài và góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác này.

Theo Phó Vụ trưởng vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên, để tăng cường truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài cần triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài; xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch truyền thông và chủ trì tổ chức truyền thông dự thảo chính sách. Khi truyền thông, tập trung chủ yếu đến một số nội dung pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ cũng như lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Văn Thuật cho rằng, công tác truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, song trước tiên là của cơ quan chủ trì soạn thảo. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần chủ động truyền thông ngay từ khâu xây dựng dự thảo.

"Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện báo chí Việt Nam ở nước ngoài trong việc trao đổi thông tin hai chiều; cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình trong nước, các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghiên cứu, tổng hợp những sáng kiến, mô hình hay, những bài học quý báu của quốc tế phục vụ công tác xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam phù hợp với thực tiễn của luật pháp quốc tế" - ông Nguyễn Văn Thuật cho biết./.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/tang-cuong-truyen-thong-du-thao-chinh-sach-phap-luat-cho-kieu-bao-post984165.vov