Tăng cường xả nước để sinh hoạt và sản xuất

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã bắt đầu có mưa, song lượng nước còn lại của các hệ thống công trình thủy lợi không nhiều.

Do vậy tỉnh ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc, gia cầm và tưới cho cây thanh long.

Nhiều vùng thiếu nước sinh hoạt

Trung tâm Nước sạch - VSMTNT Bình Thuận được giao quản lý sử dụng 38 hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn. Theo kế hoạch cấp nước sinh hoạt trong thời gian còn lại của mùa khô 2018 là 29.346 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, một số công trình đang bị thiếu nước.

Nước về vùng khô khát

Cụ thể hệ thống cấp nước Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc có công suất cấp 640m3/ngày đêm, không đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, phải bổ sung; hệ thống cấp nước Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân cũng phải bổ sung nước sạch từ nhà máy nước Tân Thắng và La Gi…

Riêng nhà máy nước Long Hải, huyện Phú Quý không đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, phải nâng công suất để bổ sung nguồn nước sạch, bởi nhu cầu sử dụng nước của huyện đảo là 2.000m3/ngày, nhưng khả năng cung cấp chỉ đáp ứng 680m3/ngày.

Tại một số địa phương, do ảnh hưởng bởi tình hình nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay, gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Tại xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân chỉ sử dụng duy nhất từ hệ thống nước Thiện Nghiệp với công suất 507m3/ngày đêm. Tuy nhiên, nhu cầu hiện đã lên tới 1.500m3/ngày đêm. Trong khi đó, hệ thống nước Thiện Nghiệp chưa đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến ống chính để đảm bảo công suất cấp nước phục vụ theo nhu cầu sử dụng thực tế.

Khu phố Nam Thành, thị trấn Thuận Nam và xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam cũng thiếu nước tưới cho khoảng 600ha cây thanh long. Nguyên nhân do người dân tự ý mở rộng diện tích sản xuất, không nằm trong kế hoạch cấp nước của Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi từ đầu năm…

Thủy điện tăng cường xả nước

Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) vừa có buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận về giải pháp sản xuất vụ hè thu 2018. Theo đó, Sở NN-PTNT Bình Thuận kiến nghị Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Tổng cục Thủy lợi, Cty Thủy lợi Đại Ninh, Cty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tiếp tục xả nước về hạ du để bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh và TP Phan Thiết.

Tổng cục Thủy lợi làm việc với tỉnh Bình Thuận về triển khai sản xuất hè thu

Cụ thể, nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi xem xét duy trì lưu lượng chạy máy bình quân trong tháng 5/2018 là 31m3/s; tháng 6/2018 là 34m3/s và thời gian có chạy máy tối thiểu tháng 5 là 15 giờ/ngày; tháng 6 là 15 giờ/ngày.

Đối với Nhà máy thủy điện Đại Ninh, xem xét duy trì lưu lượng chạy máy bình quân trong tháng 5 là 18m3/s; tháng 6 là 8,0m3/s; thời gian có chạy máy tối thiểu trong tháng 6 là 8 giờ/ngày.

Sở NN-PTNT Bình Thuận cũng kiến nghị Tổng cục Thủy lợi tham mưu cho Bộ NN-PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí chống hạn cho địa phương trong vụ hè thu 2018 để phục vụ công tác chống hạn của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị trong vụ hè thu 2018, Sở NN-PTNT Bình Thuận cùng các đơn vị liên quan như các nhà máy thủy điện, các huyện, Cty KTCTTL phối hợp điều tiết chặt chẽ để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt theo kế hoạch.

"Đối với vùng khô hạn như Bình Thuận thì UBND tỉnh chỉ đạo các Sở ban ngành nhất là Sở NN-PTNT cần xây dựng kế hoạch dài hơi để chủ động nguồn nước, xây dựng đề án ứng phó hạn hán để định hướng trước cho những vùng thường xuyên hạn hán, thiếu nước", ông Nguyễn Văn Tỉnh.

Kim Sơ - Mạnh Tuấn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tang-cuong-xa-nuoc-de-sinh-hoat-va-san-xuat-post219414.html