Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ

Thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được các lực lượng chức năng tăng cường. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh, nhiều vụ việc vi phạm vẫn tiếp tục gia tăng với quy mô lớn và ngày càng tinh vi hơn.

Xử lý nghiêm vi phạm về sở hữu trí tuệ trên thị trường thương mại điện tử góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xử lý nghiêm vi phạm về sở hữu trí tuệ trên thị trường thương mại điện tử góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; căn cứ chương trình công tác năm 2023 và kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2021-2025, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, thẩm tra, xác minh thông tin do các tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí cung cấp để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn.

Cục QLTT tỉnh đã triển khai Kế hoạch kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ... Trong quý I, Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra 186 vụ, trong đó phát hiện và xử lý 172 vụ thuộc thẩm quyền của QLTT.

Tính riêng trong lĩnh vực hàng giả, vi phạm về SHTT, toàn tỉnh đã xử lý 5 vụ vi phạm, chủ yếu về các mặt hàng: quần áo, giầy thể thao. Cùng với đó, Cục đã phát hiện và xử lý 124 vụ vi phạm chủ yếu là các hành vi vi phạm quy định dấu hợp quy; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Bên cạnh các đợt kiểm tra theo kế hoạch, Cục QLTT tỉnh cũng tăng cường kiểm tra theo hình thức đột xuất. Trong quý I, đã kiểm tra 163 vụ, xử lý 163 vụ, phạt hành chính bằng tiền 1.426.611.000 đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 1.528.881.000 đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trong kỳ 140.614.000 đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu: giày dép, kính mắt, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm...vi phạm về quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhiều vụ việc đã được dư luận đánh giá cao như vụ việc vừa qua Đội QLTT số 3 đã kiểm tra đột xuất Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Xuân Khiêm tại địa chỉ xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) phát hiện nhiều mặt hàng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hàng hóa nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán 109 chiếc khăn quàng cổ giả mạo các nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Dior; 383 chiếc khăn quàng cổ các loại, 505 chiếc đồ chơi trẻ em các loại là hàng hóa nhập lậu và 11 bình rượu các loại, 254 chiếc túi xách da là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng trị giá tang vật vi phạm hành chính là 213.870.000 đồng. Đội QLTT số 3 đã lập Biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính nói trên để xác minh các tình tiết liên quan.

Sau khi xác minh các tình tiết có liên quan theo đúng quy định, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần tập đoàn Xuân Khiêm với các hành vi vi phạm hành chính: buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 199.000.000 đồng, tịch thu toàn bộ số tang vật vi phạm hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá: 179.835.000 đồng; đồng thời buộc tiêu hủy 109 chiếc khăn quàng cổ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trị giá: 34.035.000 đồng.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài nguyên nhân khách quan như phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi; hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; hạn chế về nguồn lực; nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao... thì sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế cũng là một nguyên nhân quan trọng. Nhiều vụ việc điều tra bị kéo dài là do thiếu sự phối hợp của chủ thể doanh nghiệp, bởi chỉ có chủ thể doanh nghiệp mới cung cấp được các hồ sơ, văn bằng cấp bảo hộ làm cơ sở cho công tác điều tra, xác định tội phạm.

Để các cán bộ làm công tác quản lý thị trường nhận biết rõ hơn về hàng thật và hàng giả, vừa qua Cục Quản lý thị trường đã tổ chức buổi tập huấn phân biệt hàng giả cho cán bộ Cục. Tại buổi tập huấn, đại diện các nhãn hàng lớn thuộc hiệp hội VACIP như: Nike, Unilever, Masan, AkzoNobel, Levi Strauss & Co, HERMES, Under Armour… đã giới thiệu tổng quan các kiểu dáng, mẫu mã, đặc điểm của một số sản phẩm thuộc sở hữu của 11 nhãn hàng. Đồng thời, đại diện của các nhãn hàng đã chỉ ra cách nhận diện các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHTT đối với sản phẩm chính hãng; thông tin danh mục một số mặt hàng hay bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT.

Qua buổi tập huấn đã cung cấp nhiều thông tin thực sự hữu ích về thực trạng, kỹ năng phân biệt, nhận diện hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền SHTT. Từ đó, trang bị thêm nhiều kỹ năng và kiến thức cho công chức quản lý thị trường nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng chức năng; đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực chống sản xuất, kinh doanh hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình "Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng", các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, nhất là kinh doanh trên môi trường mạng, hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng... từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội giúp các cơ quan quản lý Nhà nước làm tốt hơn việc kiểm soát thị trường, đảm bảo các doanh nghiệp, người kinh doanh được thuận lợi, bình đẳng.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-xu-ly-cac-hanh-vi-vi-pham-ve-quyen-so-huu-tri/d20230427081844454.htm