Tăng đầu tư cho nông nghiệp

Ngành nông nghiệp nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tác động của biến đổi khí hậu, đất sản xuất nông nghiệp giảm dần do tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa... Để phát triển bền vững đòi hỏi phải tăng đầu tư cho nông nghiệp, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

Tín hiệu tích cực

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là “tam nông”) đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Do thiếu vốn sản xuất, nhiều nông dân thường mua vật tư nông nghiệp nợ tiền của cửa hàng đến cuối vụ mới trả và phải chịu thêm phần chênh lệch giá so với mua tiền mặt. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Ngay sau khi Nghị quyết “tam nông” được ban hành, hàng loạt Chỉ thị, chính sách, đề án phát triển của Trung ương và địa phương để cụ thể hóa nghị quyết này cũng được ban hành. Trong 10 năm qua, cả nước đã huy động được nhiều nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, chính sách về đất đai đã khuyến khích nông dân yên tâm hơn đầu tư cho sản xuất. Chương trình tín dụng đặc biệt hỗ trợ tái canh cà phê, phát triển thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ cao; chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và thu hút đầu tư nước ngoài... đã góp phần thúc đẩy sản xuất, đưa sản phẩm nông sản hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Trong 10 năm qua, ngân sách nhà nước đã đầu tư 1,17 triệu tỉ đồng cho phát triển nông nghiệp và nông thôn; trong đó riêng cho phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp là 415 nghìn tỉ đồng, đầu tư phát triển nông thôn 755 nghìn tỉ đồng. Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao, giai đoạn 2009-2013 bình quân đạt 21%/năm, giai đoạn 2014-2017 khoảng 17%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của tín dụng toàn nền kinh tế. Nguồn vốn tín dụng này đã góp phần rất lớn cho phát triển “tam nông”.

Ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tham mưu cho Chính phủ ban hành rất nhiều chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41 về một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, đến năm 2015, ban hành Nghị định 55 để thay thế Nghị định 41, với nhiều ưu đãi hơn về các mức cho vay như: không có tài sản bảo đảm, các chính sách khuyến khích để phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao...

Trước yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55. Theo đó, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số đối tượng, khách hàng cá nhân, hộ gia đình và bổ sung đối tượng khách hàng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được vay vốn không có tài sản bảo đảm, tối đa 70% giá trị dự án, phương án sản xuất kinh doanh; quy định về việc quản lý dòng tiền trong dự án liên kết sản xuất nông nghiệp để góp phần hạn chế rủi ro tín dụng; quy định hồ sơ, trình tự thủ tục đề nghị khoanh nợ khi xảy ra các trường hợp thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi diện rộng và các nguyên nhân bất khả kháng xảy ra trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và nông thôn; quy định các thủ tục hành chính đơn giản hơn, tạo điều kiện tiếp cận vốn.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN, cho biết: “Bên cạnh các quy định về chính sách tín dụng theo Nghị định 55 và Nghị định 116 mới ban hành, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các chương trình tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 của Chính Phủ; cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14; cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo, tái canh cà phê; hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu theo tinh thần quy định tại Nghị định 67. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành rất nhiều các văn bản pháp lý cho hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô nhằm phát huy tốt vai trò của tổ chức tài chính quy mô nhỏ…”.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng đều qua các năm và luôn cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. Đến cuối tháng 9-2018, dự nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 1,6 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 13% so với cuối năm 2017 và dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng khoảng 24% trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Sau 10 năm triển khai Nghị quyết “tam nông”, dự nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng hơn gấp 5 lần và góp phần nâng cao đời sống nông dân.

Theo ông Lê Minh Hưng, tới đây NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục ưu tiên, tập trung vốn cho vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Kịp thời có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai Nghị định 116 của Chính phủ, với nhiều nội dung mới và có tính đột phá, góp phần phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn.

Nghị quyết “tam nông” dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Đơn cử, nguồn cho thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP (Nghị quyết của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết “tam nông”) dựa nhiều vào ngân sách nhà nước, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp. Đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ chiếm 6% tổng đầu tư của xã hội và có xu hướng giảm.

Khả năng tiếp cận vốn vay từ các nguồn chính thức còn thấp so với yêu cầu, nhiều nơi nông dân phải sử dụng tín dụng “đen”. Đến tháng 7-2018, cả nước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/tang-dau-tu-cho-nong-nghiep-a104347.html