Tăng gia sản xuất gắn với xây dựng căn cứ hậu cần

Mặc dù mới tái thành lập hơn 10 năm nay, nhưng Bắc Giang là một trong các tỉnh được Bộ Tư lệnh Quân khu 1 (BTLQK) đánh giá cao về công tác xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT). Trong đó, nổi bật nhất là xây dựng mô hình phát triển tăng gia sản xuất (TGSX) gắn với xây dựng căn cứ hậu cần (CCHC) phía sau, tạo nguồn bảo đảm tại chỗ, góp phần cải thiện đời sống bộ đội; đồng thời, từng bước xây dựng tiềm lực hậu cần KVPT tỉnh, huyện vững chắc ngay trong thời bình, sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có tình huống chiến tranh xảy ra.

Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang

Hằng năm, căn cứ hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang cung cấp ra thị trường khoảng mười nghìn con lợn giống.

Hằng năm, căn cứ hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang cung cấp ra thị trường khoảng mười nghìn con lợn giống.

Ngay từ trước năm 2000, thực hiện chỉ đạo của BTLQK, BCHQS tỉnh Bắc Giang đã tiến hành khảo sát và được Tỉnh ủy, UBND, HÐND tỉnh Bắc Giang phê chuẩn và chuyển giao hơn 32 ha đất tự nhiên làm CCHC phía sau cho Bộ CHQS tỉnh. Căn cứ vào phương án tác chiến của Tư lệnh Quân khu và Chỉ huy trưởng Quân sự tỉnh, nhiệm vụ công tác hậu cần bảo đảm cho tác chiến phòng thủ khu vực, cơ quan hậu cần tỉnh đã phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, quy hoạch tổng thể và xác định vị trí bố trí các thành phần, lực lượng hậu cần cũng như các lực lượng khác trong CCHC thông qua cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ðầu năm 2004, sau khi có nghị quyết lãnh đạo của Ðảng ủy Quân khu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và nghị quyết của Ðảng ủy Quân sự tỉnh về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - công tác quân sự địa phương, trong đó có nhiệm vụ xây dựng các khu CCHC gắn với xây dựng KVPT tỉnh, huyện vững chắc, BCHQS tỉnh đã tiến hành lập dự án đầu tư TGSX, theo phương châm "Tập trung đầu tư lớn, hạch toán kinh tế độc lập". Dự án bao gồm: Nuôi lợn nái siêu nạc theo phương thức nuôi công nghiệp; nuôi thả cá theo phương thức bán công nghiệp, chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn thừa và phân thải của lợn; tổ chức chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt theo phương thức bán chăn thả. Ðồng thời, tận dụng tối đa diện tích để trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ... góp phần cải tạo cảnh quan môi trường, sinh thái trong khu vực.

Ðể bảo đảm tính khả thi của Dự án, BCHQS tỉnh thành lập Ban Quản lý. Từ năm 2000 - 2003, bằng nguồn ngân sách Nhà nước hơn 3,4 tỷ đồng, BCHQS tỉnh đã tiến hành cải tạo, mở rộng hồ nước diện tích 5,6 ha tại khu A, nâng trữ lượng tích nước từ 50 nghìn lên 175 nghìn m3, bảo đảm đủ nước tưới cho gần 100 ha lúa, hoa màu của nhân dân ở hai xã lân cận và phục vụ đời sống sinh hoạt, TGSX trong căn cứ. BCHQS tỉnh đã huy động hàng vạn ngày công bộ đội kết hợp với thuê nhân công địa phương để san ủi, đào đắp hơn 3.500 m3 đất, xây dựng các hạng mục công trình với tổng giá trị gần 7,2 tỷ đồng.

Tại khu A của CCHC được đầu tư xây dựng một dãy nhà ăn, nhà ở nhân viên, nhà kho, nhà khử trùng, trực thú y... Khu chuồng trại chăn nuôi lợn được thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, hệ thống làm mát bằng giàn phun, kết hợp thông hút gió bằng quạt công suất lớn. Hiện nay, khu vực chăn nuôi lợn nái có 617 con, hằng năm xuất chuồng từ 12 nghìn đến 13 nghìn con lợn giống. BCHQS tỉnh còn đầu tư xây dựng một hầm bi-ô-ga và ba bể chứa phân, bảo đảm đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh môi trường. Với diện tích mặt nước hồ thường xuyên khoảng 5 ha, hằng năm, đơn vị tổ chức thả bốn đến năm tấn cá giống các loại, nguồn thức ăn chủ yếu là tận dụng phân thải, thức ăn thừa của lợn và cỏ voi, mỗi năm cho thu hoạch từ 12 đến 15 tấn cá. Ngoài ra tại khu A đã trồng 500 cây gỗ tếch, gỗ sưa và hơn 500 cây ăn quả các loại cây như: trám, xoài, sấu... và 20 ha rừng, chủ yếu là cây bạch đàn cao sản và keo lai để điều hòa không khí, tạo bóng mát, cảnh quan môi trường sinh thái. Còn tại khu vực chỉ huy, BCHQS tỉnh đã đầu tư xây dựng dãy nhà để xe các loại, trạm biến áp, tổ máy phát điện, giếng khơi và giếng khoan công nghiệp, bảo đảm đủ điện, nước 24 giờ/ngày đêm.

Tại khu B, ngoài việc xây dựng nhà ở cho bộ đội, xây chuồng nuôi bò, BCHQS tỉnh đã khoan một giếng nước và đào 1.000m2 ao để vừa thả cá, vừa dự trữ nước bảo đảm sinh hoạt và phục vụ phát triển TGSX. Ngoài việc quan hệ, xin hỗ trợ đầu tư 457 triệu đồng từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang để thực hiện dự án ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt, BCHQS tỉnh còn phối hợp Viện Cây lương thực, cây thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành khảo sát, thiết kế, quy hoạch, tổ chức san ủi mặt bằng và trồng cỏ VA 06 và cỏ voi theo quy trình kỹ thuật được chuyển giao. Trên phần diện tích trồng rừng sau khi đã khép tán, đơn vị còn tận dụng mặt bằng để chăn nuôi hơn 10.000 con gà, ngan, vịt, ngỗng, lợn rừng.

Bằng nguồn vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng, đến nay, BCHQS tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 2 dự án xây dựng CCHC phía sau. Kết quả thu từ TGSX hằng năm đạt bình quân từ 850 đến 900 triệu đồng, chưa kể nguồn lợi từ khai thác gỗ và củi từ trồng rừng.

Cùng với việc đầu tư phát triển TGSX, BCHQS tỉnh còn chú trọng công tác quản lý đất quốc phòng, chống xâm canh xâm cư, hoặc xảy ra tranh chấp. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các địa phương có đất giáp ranh để tuyên truyền, phổ biến và ký cam kết không vi phạm đất quốc phòng. Hằng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, Bộ CHQS tỉnh đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chung quanh khu vực căn cứ.

Với sự nỗ lực, cố gắng và cách làm sáng tạo, đến nay, CCHC phía sau, BCHQS tỉnh Bắc Giang không những quản lý tốt đất quốc phòng, tạo ra nguồn thực phẩm tại chỗ ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội mà còn góp phần xây dựng thế trận hậu cần KVPT trong thời bình.

NGUYỄN HỒNG QUANG

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/21351302-.html