Tăng giá trị cho cà phê Việt

Trong 3 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu đạt 3.146 USD/tấn, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà phê trong nước cũng ghi dấu mức giá cao nhất trong vòng hơn 30 năm qua với hơn 92.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 30% so với cuối năm 2023.

Ảnh minh họa.

Bộ Công thương cho biết, năm 2023, mặc dù sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 9,6% về lượng, nhưng giá trị tăng 3,1%, đạt gần 4,2 tỷ USD, chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu. Nếu mức giá duy trì ổn định, dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 4,6-5 tỷ USD.

Cà phê Việt lên ngôi do sản lượng cà phê robusta trên toàn thế giới thiếu hụt gần 20%. Nhưng cần phải khẳng định, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê và vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê robusta. Cà phê Việt đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với tổng diện tích trồng cà phê khoảng 710.000ha, sản lượng hơn 1,84 triệu tấn, ngành cà phê đã tạo ra việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân, với 2 triệu lao động. Nếu tính cả chuỗi giá trị mang lại từ cà phê, thì đóng góp này còn lớn hơn nhiều.

Đó là ngành công nghiệp chế biến cà phê, các sản phẩm khác sử dụng nguyên liệu cà phê và hệ thống các cửa hàng, quán cà phê trên toàn quốc đã tạo ra hàng chục triệu việc làm và sinh kế đông đảo cho người dân. Ẩm thực Việt với hương vị cà phê đang được nhiều địa phương phát triển thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách...

Tuy nhiên, cà phê Việt chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô; chế biến sâu mới đạt khoảng 23%. Chuỗi giá trị cà phê còn nhiều bất cập cung - cầu, thiếu bền vững. Sản xuất chủ yếu khai thác lợi thế tự nhiên, chú trọng sản lượng, chưa tập trung gia tăng giá trị sáng tạo, xây dựng hình ảnh thương hiệu.

Thế nên, Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Cà phê xuất thô ra nước ngoài, rồi sau đó mang nhãn hiệu ngoại, xẻ đi phần lớn phân khúc giá trị gia tăng. Ở trong nước, các vùng trồng cà phê nổi tiếng của khu vực Tây Nguyên cũng chưa có nhiều mô hình kết hợp giá trị cà phê với du lịch, thời trang, ẩm thực và các ngành công nghiệp sáng tạo.

Việc lô hàng cà phê nhân xanh hữu cơ đầu tiên của một công ty Việt được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản mới đây là tín hiệu vui, mở ra cơ hội nâng cao giá trị nông sản Việt, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về xuất khẩu bền vững. Nhưng muốn tạo sản lượng lớn, có chất lượng cao thì phải liên kết sản xuất và bảo hộ sản phẩm để tăng giá trị cho người sản xuất.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong nhiều chương trình phát triển cà phê bền vững, chúng ta chỉ đang phát triển phần ngọn, mà chưa quan tâm giải quyết phần gốc. Cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng. Trong đó, đáp ứng đúng và đủ các tiêu chí phát triển bền vững của các thị thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới như EU, Mỹ...

Các địa phương có diện tích canh tác cà phê lớn cần khẩn trương hoàn thiện chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng trồng cà phê và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện. Bởi đến nay, cả nước mới có khoảng 186.000ha cà phê có giấy chứng nhận, đạt khoảng 26% tổng diện tích. Cùng với đó, sớm hình thành các doanh nghiệp, tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất và chế biến cà phê.

Xác định cà phê là sản phẩm quốc gia thì cần có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, hình thành các thương hiệu cà phê đặc sản của các vùng trồng. Song song với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần khai thác triệt để phân khúc thị trường trong nước với 100 triệu dân đang là dư địa hấp dẫn cho cà phê Việt.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-gia-tri-cho-ca-phe-viet-post474130.html