Tăng giờ làm thêm: Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng tiến bộ của thế giới

Cả thế giới đều đấu tranh để tăng lương, giảm giờ làm, còn người sử dụng lao động thì luôn muốn tranh thủ, tận dụng người lao động. Việt Nam muốn tăng giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ của thế giới...

Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Báo cáo về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Ủy ban cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục đề nghị quan tâm đến ý kiến của Ủy ban khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (năm 2002) và thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (năm 2012).

“Mặc dù, trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật; từ phía người lao động bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống; từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm. Bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. Ủy ban đề nghị vấn đề này cần phải được Cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm và việc quy định thời gian làm thêm giờ phải theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định và phải bảo đảm các nguyên tắc" - bà Thúy Anh cho biết.

Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ để bảo đảm tính đầy đủ của Danh mục và có dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể, chặt chẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

“Vấn đề này hiện nay còn có ý kiến khác nhau từ phía Công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp, vì vậy Ủy ban trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo" - bà Thúy Anh nói.

 Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo một số nội dung

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo một số nội dung

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích, trong khi thế giới và xu hướng toàn cầu đang tiến tới tăng tiền lương, giảm giờ làm, thì Việt Nam lại tăng thêm thời gian làm việc.

“Việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tay nghề người lao động được nâng lên thì năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và cải thiện đời sống của người lao động.” Ông Đỗ Bá Tỵ nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.

Trong khi đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thì cho rằng không nên trả lương lũy tiến cho người lao động làm thêm giờ, bởi như vậy sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Ông cũng dẫn chứng chỉ có 2 nước trên thế giới thực hiện chính sách này nên chúng ta cần cân nhắc.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, người lao động luôn ở thế yếu. Cả thế giới này đều đấu tranh để tăng lương, giảm giờ làm, nâng cao đời sống người lao động cả về vật chất và tinh thần. Còn người sử dụng lao động thì luôn muốn tranh thủ, tận dụng người lao động.

“Giảm giờ làm là một xu hướng tiến bộ, là mong muốn của chúng ta. Ta chưa giảm được mà còn tính tăng thêm giờ làm. Xã hội tiến bộ, phát triển văn minh mà chúng ta ngồi đây bàn tăng thời gian làm thêm cho người lao động thì phải cân nhắc” – Chủ tịch Quốc hội nói khá gay gắt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Cân nhắc quy định nghỉ hưu sớm, kéo dài tuổi nghỉ hưu

Về tuổi nghỉ hưu, báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Dự thảo, việc quy định quyền được nghỉ hưu sớm hơn 05 năm chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, cần phải được cân nhắc để điều chỉnh nghỉ hưu sớm hơn 10 năm đối với một số công việc đặc biệt như làm việc khai thác than trong hầm lò, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp...

Theo Ủy ban các vấn đề xã hội, việc quy định quyền được nghỉ hưu cao hơn không quá 05 năm so với tuổi nghỉ hưu chung cũng phải được hướng dẫn cụ thể hơn đối với một số ngành, lĩnh vực đang kéo dài tuổi nghỉ hưu cao hơn cả mức 05 năm (giáo dục, y tế…).

“Đến nay, Chính phủ vẫn chưa bổ sung tài liệu làm rõ những kiến nghị của Ủy ban đã nêu trong Báo cáo thẩm tra số 2032/BC-UBVĐXH14 như “bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 05 năm theo quy định”, chưa đưa ra được cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (02 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ. Đề nghị Chính phủ bổ sung các thông tin cần thiết trên để làm cơ sở, căn cứ để quy định độ tuổi nghỉ hưu cụ thể theo lộ trình hợp lý.” –bà Thúy Anh nêu rõ.

Theo quy định tại Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Điều 106 về “Thời giờ làm việc bình thường”, là không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần. Ngoài ra, người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết, trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày; Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

Chia sẻ với VnMedia về vấn đề này, Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, ngày làm việc 8 giờ, tuần làm việc 48 giờ là thành quả đấu tranh của người lao động trên khắp thế giới. Từ ngày 1/5/1886, “không một người thợ nào làm việc quá 8 giờ/ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghĩ ngơi, 8 giờ vui chơi”.

Đến nay nhiều quốc gia tiên tiến đã giảm giờ làm xuống 7 giờ/ngày, hoặc áp dụng tuần làm việc 36-40-44 giờ/ tuần. Các nước gần Việt Nam như Trung Quốc: 40 giờ/tuần, Nhật: 40 giờ/tuần,Singapor:44 giờ/tuần, Mông Cổ:40 giờ/tuần. Và đặc biệt ở Việt Nam cũng đã áp dụng 40 giờ/tuần cho cán bộ công chức từ lâu.

"Đã đến lúc ta không nên để sự bất công giữa những người lao động trong đất nước chúng ta nữa. Do đó, tôi đề nghị giờ làm việc nên thống nhất 40 giờ/tuần, hoặc nhiều nhất là 44 giờ/tuần. Tôi khẳng định không một lao động nào muốn tăng giờ tăng ca nếu lương đủ sống. Vì lương quá thấp không đủ sống nên buộc lòng họ phải chấp nhận làm thêm giờ. Người lao động nào cũng mong muốn có thời gian nghỉ ngơi, có thời gian học tập, có thời gian dành cho gia đình, có thời gian vui chơi giải trí…, không lý do gì mà lần sửa luật này lại thụt lùi so với hiện tại" - ông Đặng Ngọc Tùng nói.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201908/tang-gio-lam-them-viet-nam-dang-di-nguoc-lai-xu-huong-tien-bo-cua-the-gioi-638435/