Tăng hiệu quả 'Chiến dịch K=K' tiến tới loại bỏ đại dịch HIV

Ngày 6/8, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Không phát hiện bằng không lây nhiễm (K=K), với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế như Dự án VAAC- US, CDC (Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ) và tổ chức Prevention Access.

Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2018 cả nước có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó 2.150 người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong. 63% số người nhiễm HIV ở Việt Nam lây nhiễm qua con đường tình dục, chủ yếu ở lứa tuổi từ 15-49.

Các đại biểu Việt Nam và quốc tế chụp ảnh giao lưu sau khi kết thúc Hội thảo. Ảnh: DN

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV, AIDS cho rằng, K=K là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) với người nhiễm HIV.

Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng, một người có HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục. Tải lượng vi rút không phát hiện được trong máu được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu.

Thông tin cụ thể hơn về chiến dịch K=K, ông Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS, chiến dịch sẽ thông qua các hoạt động như duy trì và cập nhật trang fanpage Facebook K=K; tập huấn phóng viên báo chí truyền thông về vấn đề này; sự kiện khởi động chiến dịch; cung cấp thông tin cho lãnh đạo cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội; tập huấn cho cán bộ khoa kiểm soát dịch bệnh và phòng y tế về thông điệp truyền thông K=K...

Để đẩy mạnh chiến dịch truyền thông K=K, theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kêu gọi toàn thể cộng đồng tham gia vào mục tiêu phòng chống và giảm tỉ lệ nhiễm HIV, bằng cách tăng cường nhận thức của cộng đồng về HIV và điều trị thuốc kháng HIV, đặc biệt về việc tiếp cận với xét nghiệm và thuốc ARV hiện nay đã trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuốc được BHYT chi trả 100%.

Đồng thời, theo Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác về K=K, nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của việc uống thuốc hàng ngày theo chỉ định và thường xuyên theo dõi tải lượng vi rút, với thông điệp.

“Khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang bạn tình HIV âm tính với họ”, ông Cảnh nói.

Ngoài ra, theo ông Cảnh, các cơ quan báo chí cũng là cầu nối góp phần cung cấp thông tin về các biện pháp dự phòng HIV khác và xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người có HIV, để họ yên tâm tiếp cận xét nghiệm và điều trị tại các cơ sở y tế, có cuộc sống khỏe mạnh, bình thường.

K=K đã được 859 tổ chức y tế và tổ chức cộng đồng tại hơn 97 quốc gia công nhận và ủng hộ.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tang-hieu-qua-chien-dich-kk-tien-toi-loai-bo-dai-dich-hiv-109362.html