Tăng hiệu quả đánh bắt nhờ lưới kim tuyến

Tại cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng, nhiều tàu đánh bắt cá bằng lưới giã cào đôi của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã cập vào để cải tạo lưới theo cách mới nhất, với hy vọng trong năm 2021 sẽ đánh bắt thuận lợi. Một ngư dân chia sẻ rằng, có mấy tàu mới thu về 400-500 triệu đồng tiền bán mực nhờ đánh bắt bằng lưới kim tuyến.

Các ngư dân phối màu vào lưới để có thể đánh bắt hiệu quả hơn. Ảnh: Văn Chương

Các ngư dân phối màu vào lưới để có thể đánh bắt hiệu quả hơn. Ảnh: Văn Chương

Tín hiệu vui

Trước năm 2017, cửa biển cửa Đại Cổ Lũy (tỉnh Quảng Ngãi) luôn tấp nập tàu ra, tàu vào. Cứ đến dịp cuối năm, hơn 1.000 tàu cá làm nghề giã cào từ vịnh Bắc Bộ trở về quê và xếp chật cứng trong cửa biển, liên kết với nhau giống như chiếc bè nổi kéo dài từ cửa biển vào tận bên trong khu vực cầu vượt. Nhưng từ năm 2017 đến nay, nhiều tàu làm ăn thua lỗ và việc phối màu kim tuyến vào lưới cũng là giải pháp cuối cùng để cho những con tàu đánh bắt xa bờ có thể trụ lại với nghề.

Nhiều tàu cá thay đổi trục tời để quấn dây kéo lưới bằng loại trục có kích cỡ lớn hơn. Thay đổi này có giúp ích cho việc cải thiện năng suất đánh bắt? Nghe tôi hỏi, ngư dân tên Chí cho biết: “Do phối màu kim tuyến vào lưới, kích thước dây khi thu vào sẽ lớn hơn bình thường, nên phải cải tạo rơi (trục tời). Qua những đợt đầu tiên ra biển đánh bắt thì thấy đạt hiệu quả, con mực nằm vùi dưới đáy biển, khi thấy lưới kim tuyến băng qua thì nó bật lên và chui vào miệng lưới”.

Tại bến cảng, một tàu cá đang kéo sợi dây thừng được bện bằng 2 màu vàng và xanh. Ở một tàu khác, có ngư dân còn phối cả 3 màu cho các dây kéo cỡ nhỏ hơn; vô số các tua lưới có màu sặc sỡ được quấn vào trục. Ngư dân tên Trung kéo tôi ra và nói nhỏ: “Năm mới làm ăn có lãi là nhờ cách làm này, làm hết cả giàn lưới lẫn trục tời là khoảng 500 triệu đồng”.

Trong các loại lưới đánh bắt, lưới của tàu làm nghề giã cào cao tốc là loại lưới có nhiều dây kéo nhất, ngoài dây ni lông, còn có dây xích, dây cáp để chống bớt sự mài mòn, khi 2 tàu chạy song song kéo lưới như cánh võng thì miệng lưới rê sát đáy biển. Những năm trước đây, ngư dân chỉ đánh loại giã cào ở mức thấp - đó là đi vào vùng biển có độ sâu chỉ khoảng 50m rồi thả lưới sát đáy biển, nổ máy kéo rê đi. Còn hiện nay, giàn lưới giã cào đã được nâng cấp - cào cá ở độ sâu 150m. Theo ngư dân, sắc màu trên dây lưới sẽ kích thích cá, mực dưới đáy biển, từ đó, tăng khả năng đánh bắt hải sản.

“Thần tài” vào lưới?

Mặt trái của nghề giã cào cao tốc làm cho ngư trường nhanh cạn kiệt. Những cặp tàu giã cào cao tốc có mức thu gom cá kinh khủng, ước tính mỗi năm cào khoảng 1.000 tấn cá/cặp tàu (tàu đi lưới chỉ khoảng 60 - 120 tấn/tàu). Cá thu về thì nhiều, nhưng chỉ có 40% là cá thương phẩm bán cho người tiêu dùng, còn 60% là cá vụn. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức khai tử, không cấp phép đóng mới tàu giã cào. Có thể khoảng 10 năm nữa, tàu giã cào sẽ biến mất khỏi Việt Nam.

Trong thời gian qua, ngư dân ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi thường hỏi nhau “con đường nào để thoát nợ?”. Đến thời điểm hiện nay, cách thức đánh bắt phối màu vào lưới đã mang lại những hiệu quả nhất định cho người dân làng chài. Ngư dân làm nghề câu mực cho biết, họ phối màu vào con tôm giả làm bằng gỗ gắn gần chùm móc câu. Khi thả tôm gỗ xuống biển thì phát ra màu óng ánh để thu hút mực tới gần rồi giật ngược dây câu, kéo mực ống lên sàn tàu.

Đi dọc các cầu cảng ở cảng cá Thọ Quang, khi hỏi các ngư dân làm nghề giã cào về thu nhập thì vấn đề này trở thành chuyện có vẻ nhạy cảm. Các chủ tàu cho câu trả lời chung chung “chỉ kiếm đủ ăn, kiếm sống qua ngày...”. Nhưng các ngư dân đi bạn thì có câu trả lời rõ ràng hơn. Ngư dân Lê Văn Hùng, đi bạn trên một tàu làm nghề giã cào cao tốc cho biết: “Ông chủ tàu này vay nợ ngân hàng 3 tỷ đồng, gần 1 năm trả nợ không nổi, còn hiện nay có cách làm mới nên năm 2020 bắt đầu có khả năng trả nợ, anh em đi bạn đã được chia phần 120 triệu đồng/ người”.

Nghề giã cào cao tốc, nếu đánh bắt trúng thì là nghề hái ra tiền. Tuy nhiên, khi ngư trường cạn kiệt thì nghề này cũng là ác mộng đối với chủ tàu. Bởi vì một cặp tàu giã cào cao tốc xuất bến cần khoảng 4.000-6.000 lít dầu, nên nếu đánh bắt chỉ kiếm vài trăm triệu đồng trong vòng 10 ngày thì xem như thất bại. Trong khi tàu cá làm nghề lưới nổi có cùng kích cỡ, công suất, nếu ra khơi đánh bắt trong thời gian 20 ngày, thu về được 250 triệu đồng, chỉ gánh chi phí khoảng 70 triệu đồng, còn 180 triệu đồng chia cho bạn chài.

Cải hoán tàu cá

Rất khó khăn mới tìm được ngư dân nói thật về thu nhập, khi phối màu kim tuyến óng ánh vào lưới. Ngư dân Nguyễn Thành chia sẻ, phần lớn các tàu cá làm nghề giã cào cao tốc ở Quảng Ngãi đều đang thiếu nợ các ngân hàng, vì vậy, các chủ tàu rất ngại khi nói về thu nhập là điều dễ hiểu. Nhưng nhìn chung là khoảng 70% tàu cá chèn màu sắc óng ánh vào lưới thì làm ăn có lãi, địa bàn hoạt động của các tàu là dọc bờ biển các tỉnh, thành Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định.

Vài hôm sau, tôi trở lại điểm neo đậu tàu cá, trong vai một ngư dân kiếm tàu để đi biển, các chủ tàu ánh mắt đăm chiêu, nhưng cũng đã có nụ cười khi nói về triển vọng đi bạn được chia phần từ 70 đến 100 triệu đồng. Nói về thu nhập, các ngư dân lại tiếc nuối nói về thời hoàng kim, đó là giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, mỗi thuyền trưởng kiếm từ 900 triệu đồng tới 1,2 tỷ đồng/năm, cao nhất là 3 tỷ đồng/năm.

Trong lúc các chủ tàu làm nghề giã cào ở Quảng Ngãi neo đậu ở cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng đang tích cực cải hoán tàu thuyền để cầm cự với việc hoàn trả nợ, thì tại cảng cá Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi cách đó khoảng 170km, một số tàu làm nghề giã cào cao tốc của ngư dân đã bị chìm tại bến. Các chủ tàu này đã kiệt lực nên đành phải bỏ tàu. Theo các ngư dân, việc vực dậy một chiếc tàu đã neo tại chỗ trong 2-3 năm, sau đó phối màu cho lưới, thay đổi số phận cho con tàu là điều không thể kham nổi.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-hieu-qua-danh-bat-nho-luoi-kim-tuyen-post439482.html