Tăng hiệu quả giám sát của đại biểu dân cử

Khắc phục tình trạng 'ngại va chạm', ít phát biểu trong hoạt động giám sát ở các phiên chất vấn, giám sát chuyên đề, HĐND thành phố Hà Nội đã có giải pháp, tăng tính tranh luận trong các diễn đàn này để các đại biểu thực hiện quyền giám sát, đi đến cùng kết quả thực hiện.

Đi đến cùng kết quả thực hiện

Ở những nhiệm kỳ trước đây, hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chỉ thực hiện ở các kỳ họp thường kỳ giữa năm và cuối năm, nhưng ở nhiệm kỳ 2021-2026, hoạt động này còn được tổ chức riêng một phiên họp giữa hai kỳ họp. Đây là sự đổi mới hoạt động giám sát của HĐND thành phố theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, ở phiên chất vấn giữa hai kỳ họp, đại biểu HĐND thành phố đã tăng tính tranh luận, trao đổi để giám sát kỹ, đi đến tận cùng vấn đề.

Đơn cử như vụ việc ở huyện Phúc Thọ, dự án trồng hoa cây cảnh biến tướng thành vùng sinh thái xã Hiệp Thuận, nằm ở bờ hữu sông Đáy được đại biểu HĐND thành phố chất vấn. Không chỉ là nêu vấn đề, Thường trực HĐND thành phố còn chỉ đạo quay video về những sai phạm, đồng thời yêu cầu lãnh đạo địa phương báo cáo làm rõ nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Phúc Thọ trả lời các đại biểu trên quan điểm dự án có tính hợp lý hóa để phục vụ phát triển kinh tế cho người dân.

Không đồng tình với cách trả lời của lãnh đạo huyện Phúc Thọ, đại biểu HĐND thành phố đã truy vấn đề tính pháp lý cho dự án trên tồn tại và lãnh đạo huyện tiếp tục khẳng định việc tồn tại vẫn là hợp lý. Chưa thỏa mãn với cách trả lời của huyện Phúc Thọ về vụ việc trên, Thường trực HĐND thành phố đã yêu cầu UBND thành phố tổ chức đoàn thanh tra để làm rõ việc đúng - sai...

Không chỉ ở hoạt động chất vấn, hoạt động giám sát chuyên đề cũng được đại biểu HĐND thành phố đổi mới, nâng cao chất lượng theo quan điểm làm rõ các vấn đề còn chưa có cách hiểu thống nhất hoặc đơn vị, cơ sở còn báo cáo chưa rõ.

Điển hình là cuộc giám sát về việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Đoàn giám sát ghi nhận, công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí cán bộ ở các bộ phận của Sở thực hiện tốt, nhưng Chỉ số cải cách hành chính của Sở vẫn đứng ở tốp cuối.

Đoàn giám sát cũng phát hiện còn tồn tại tình trạng, nhiều hồ sơ bảo đảm đủ thủ tục quy định, nhưng chưa đủ thủ tục “con”, hồ sơ không vào được cửa này, nhưng “lọt” vào cửa khác. Việc kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Sở khẳng định làm tốt, nhưng vẫn có bộ phận Chỉ số hài lòng vẫn chưa được cải thiện… Vì thời gian giám sát một buổi chưa làm rõ được vấn đề, nên Đoàn giám sát tiếp tục có thêm buổi làm việc với Sở để trao đổi, làm rõ các vấn đề quan tâm. Kết quả, buổi làm việc thứ hai của đoàn mới làm rõ, cụ thể hơn nhiều tồn tại...

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, những ví dụ trên thể hiện rõ cách thức đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động chất vấn, giám sát của HĐND thành phố theo phương châm đi đến cùng kết quả thực hiện.

Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội khảo sát tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Xuân Hải

Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội khảo sát tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Xuân Hải

Mời chuyên gia tham dự các đoàn giám sát

Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phần đoàn giám sát chuyên đề của HĐND hay các Ban HĐND thành phố đều có các chuyên gia lĩnh vực chuyên sâu chủ đề giám sát.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân cho biết, hoạt động giám sát của Ban về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đều mời các cán bộ, chuyên gia từng nghiên cứu, giảng dạy các trường đại học hoặc từng công tác ở các bộ, ngành trung ương, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì thế, qua giám sát ở 2 huyện Phú Xuyên và Thanh Trì, các ý kiến, đề xuất giải pháp của các chuyên gia được ghi nhận rất thiết thực trong bối cảnh công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập. Trong đó, có việc đề xuất đối với việc đầu tư nhà máy xử lý rác thải cần phải từ vốn đầu tư công, với dây chuyền hiện đại mới có tính bền vững. Bởi hiện nay, một số dự án kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhưng đều chậm trễ, vì năng lực, “sức khỏe” tài chính yếu, dẫn đến dự án “treo”, cụ thể là dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Châu Can, huyện Phú Xuyên.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, thời gian tới, HĐND thành phố sẽ tiếp tục lựa chọn các vấn đề dân sinh nổi cộm để thực hiện phiên chất vấn giữa các kỳ họp; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc giám sát chuyên đề những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm. Cách làm như vậy không chỉ thực hiện tốt nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà còn thực hiện hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12-5-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1066190/tang-hieu-qua-giam-sat-cua-dai-bieu-dan-cu