Tăng hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, cần sự tiếp sức thiết thực

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành và các địa phương đã triển khai một loạt chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trong số đó, phải kể đến các chính sách về cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí, lãi suất cho vay; gia hạn thuế và tiền thuê đất; giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp…

Có thể thấy, cùng với nội lực của chính cộng đồng doanh nghiệp, các gói hỗ trợ đã tiếp sức cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, dịch đang bùng phát trở lại khiến một số lĩnh vực, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn cần tiếp tục được trợ lực trong thời gian tới.

 Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ cần hỗ trợ thiết thực hơn (Ảnh: PV)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ cần hỗ trợ thiết thực hơn (Ảnh: PV)

Theo đánh giá của các doanh nghiệp và ghi nhận từ các hiệp hội ngành nghề, việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là chính sách tài khóa rất thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 do phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn về dòng tiền.

Vì vậy, các gói tài khóa trên giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, riêng chính sách cơ cấu lại nợ, ưu đãi miễn giảm lãi suất, ưu đãi phí giao dịch… của ngành ngân hàng, dù các ngân hàng công bố các gói hỗ trợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, song mức độ ảnh hưởng của chính sách đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ lại không lớn.

Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, trên tất cả các lĩnh vực cơ chế, thủ tục hành chính, chính sách thuế…, góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc cứu trợ, hỗ trợ doanh nghiệp cần nhất phải ưu tiên đúng đối tượng cần hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cạn kiệt năng lực. Hiện, tình hình sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu phục hồi, song trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang chật vật để duy trì hoạt động.

Từ thực tiễn nhận hỗ trợ trong suốt thời gian bùng dịch đến nay, các doanh nghiệp hiện rất mong đợi Chính phủ, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai gói hỗ trợ tiếp theo. Tuy nhiên, chính sách cần giảm bớt các điều kiện liên quan đến tài chính, tài sản bảo đảm sao cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Phía ngân hàng cho rằng, nhiều doanh nghiệp, nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ vốn chiếm tỷ trọng lớn trên địa bàn lại không chứng minh được có phương án kinh doanh khả thi, minh bạch dòng tiền… nên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Do đó, tới đây, hệ thống ngân hàng sẽ tập trung vào các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay vốn không có tài sản thế chấp nhưng có phương án kinh doanh khả thi sẽ được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng./.

Hà Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/tang-hieu-qua-ho-tro-doanh-nghiep-can-su-tiep-suc-thiet-thuc-581044.html