Tăng hình phạt cho những 'ma men sau tay lái'

Ngày 25-9 vừa qua, tại thành phố Busan (Hàn Quốc) đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khi một tài xế say rượu đâm vào hai người đi bộ đang đứng trên vỉa hè, khiến một người thiệt mạng.

Sau vụ tai nạn, những người thân của hai nạn nhân đã kiến nghị lên Phủ Tổng thống Hàn Quốc, đề nghị chính phủ nghiêm trị tài xế gây tai nạn, cũng như đưa ra những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tính mạng cho người dân. Ngay lập tức, kiến nghị này đã nhận được sự ủng hộ của hơn 200.000 người và dẫn tới việc Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Park Sang-ki đưa ra tuyên bố, theo đó xứ sở Kim chi sẽ coi say rượu khi lái xe là một hành vi sát nhân.

Theo ông Park Sang-ki, nhà chức trách Hàn Quốc sẽ tịch thu xe của những người thường xuyên lái xe sau khi uống rượu và kiên quyết mạnh tay xử lý những người vi phạm. Trong khi đó, những tài xế gây tai nạn làm chết người, khiến người khác bị thương nặng, hoặc gây từ 3 vụ tai nạn trở lên trong vòng 3 năm, sẽ bị bắt giam để tiến hành công tác điều tra. Cũng theo Bộ trưởng Park Sang-ki, qua xét xử các vụ liên quan tới say rượu lái xe tại Hàn Quốc cho thấy 77% các vụ gây chết người chỉ bị tuyên án tù treo. Bởi vậy, giới chức Hàn Quốc đang xem xét đưa ra hình phạt mức cao nhất đối với các tài xế say rượu gây tai nạn chết người, thay vì chỉ áp dụng mức án tù từ một đến vài năm như hiện nay.

Cảnh sát đo nồng độ cồn của các lái xe trên một tuyến đường ở Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Không chỉ riêng Hàn Quốc mà đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt và hình phạt nặng đối với những người say xỉn tham gia giao thông. Trường hợp nghiêm trọng nhất, lái xe khi say rượu gây tai nạn chết người, mức án có thể lên tới tử hình.

Ngay cả khi không gây ra tai nạn dẫn tới thương vong, việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định cũng đã bị coi là phạm pháp. Chẳng hạn như tại Nam Phi, những lái xe cầm vô lăng trong tình trạng say rượu bia sẽ phải đối mặt với mức án tù lên tới 6 năm hoặc khoản tiền phạt khoảng 10.000USD, đồng thời trở thành người đã có tiền sử phạm tội. Hay như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Đức, Mỹ…, mỗi quốc gia đều có khung hình phạt khác nhau dành cho những “ma men sau tay lái”, nhẹ thì phạt tiền, thu bằng lái, lao động công ích, nặng thì có thể bị tạm giữ người và phương tiện hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự…

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đưa ra những hình phạt rất “độc” để răn đe người tham gia giao thông có thói quen nhậu nhẹt trước khi ngồi trước tay lái. Theo tờ The Guardian, tại South Island, hòn đảo du lịch nổi tiếng của New Zealand, những người lái xe sau khi uống rượu sẽ bị “bêu tên” trên mặt báo để làm gương. Tương tự, tại Australia, những ai vi phạm cũng phải bất đắc dĩ xuất hiện trên báo địa phương dưới dòng tiêu đề: "Anh ta say rượu lái xe và phải ngồi tù". Còn ở một quốc gia nổi tiếng với nếp sống chỉn chu và thượng tôn pháp luật như Nhật Bản, ngay cả những người ngồi cùng trên xe với các tài xế say xỉn cũng có thể bị phạt.

Lạ lùng hơn, ở một số nước, các lái xe vi phạm thậm chí còn phải đối mặt với hình phạt có một không hai, đó là… làm việc trong nhà xác của bệnh viện.

Đến nay, quy định liên quan tới hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông ở các quốc gia đều ít nhiều có những thay đổi, song nhìn chung vẫn nhằm mục đích răn đe và giảm tối đa số vụ tai nạn. Theo thời gian, mức hình phạt đối với hành vi này cũng được điều chỉnh theo hướng chỉ có tăng chứ không giảm.

Điều đó cũng chứng tỏ dù ở nơi nào trên hành tinh, yêu cầu bảo vệ tính mạng con người luôn được đặt lên hàng đầu và những hành vi như lái xe sau khi uống rượu luôn bị lên án và nghiêm trị thích đáng.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tang-hinh-phat-cho-nhung-ma-men-sau-tay-lai-553112