Tăng kết nối trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Ninh Thuận

Ngày 21-12, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị 'Đối thoại gắn với triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, Hợp tác xã, chủ trang trại và hỗ trợ vay vốn hoạt động lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh', nhằm tìm giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương trong tương lai.

Các ngân hàng thương mại ký cam kết hỗ trợ vốn vay theo Nghị định 116 của Chính phủ với doanh nghiệp, HTX tại hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những điểm mới của Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tính đến tháng 10-2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Ninh Thuận đã giải ngân cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác vay hơn 24.550 tỷ đồng. Những chính sách hỗ trợ được các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tăng hằng năm, góp phần đưa giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng lên.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, trong ba năm triển khai thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho thấy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, HTX có bước phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ kịp thời để nâng cao hiệu quả hơn.

Ninh Thuận có 72 HTX đang hoạt động, trong đó có 54 HTX nông nghiệp. Nhu cầu vay vốn của các HTX nông nghiệp rất nhiều, nhưng do thiếu sự kết nối với hệ thống ngân hàng, nên mấy năm qua, mới chỉ có tám HTX vay hơn một tỷ đồng để hoạt động. Thiếu vốn, nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân là do nhiều HTX không đủ hồ sơ pháp lý. Cụ thể, trong 54 HTX, chỉ có sáu HTX có đủ điều kiện về hồ sơ pháp lý để hoạt động; số HTX còn lại chưa đủ điều kiện, như: không có báo cáo tài chính hoạt động, không có đánh giá hoạt động…. Trong số 18 HTX có quan hệ với các tổ chức tín dụng, chỉ có bảy HTX có uy tín nên quan hệ khá thuận lợi về vay vốn, còn 11 HTX nợ đọng kéo dài triền miên, khó được vay vốn để hoạt động. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, HTX do UBND huyện, thành phố ký “sinh” ra, tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, nên hầu như các HTX đều đơn thân vận động sau khi thành lập, khó tránh khỏi những khó khăn. Vấn đề này, các địa phương cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình.

Ông Nguyễn Trần Ánh, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ cho biết, HTX rất muốn nông dân bám đất sản xuất nguyên liệu phục vụ HTX, nhưng nông dân không có vốn trong khi làm thủ tục vay tín chấp rất nhiều vướng mắc. Để giúp nông dân duy trì sản xuất, HTX chỉ có thể hỗ trợ sáu tháng về vật tư, phân bón theo hướng hữu cơ sinh học, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì lâu nay HTX áp dụng phương thức mua “gối đầu” (tức là mua đợt hai thì thanh toán đợt một - PV) vật tư, phân bón từ những nhà máy ở các tỉnh, thành phố khác đưa về hỗ trợ nông dân, nên không kham nổi nguồn vốn hỗ trợ thường xuyên. HTX muốn xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ với quy mô một triệu lít/năm để chủ động liên kết bền vững với nông dân, nhưng gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các ngân hàng để vay vốn đầu tư. Hiện tại, không biết đi từ hướng nào để được giải quyết vốn vay nhanh nhất.

Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX Măng tây Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước búc xúc: “Nhiều lần HTX đến Ngân hàng Nông nghiệp huyện để vay vốn đầu tư mở rộng diện tích theo chủ trương của Chính phủ và tỉnh đề ra, trên thực tế, giá mua 1 kg hạt giống măng tây để gieo trồng cho 1 ha là 120 triệu đồng. Tuy nhiên, ngân hàng cứ khăng khăng là chỉ cho vay mỗi hộ sản xuất là ba triệu đồng, làm sao nông dân có thể đầu tư sản xuất. Trung ương đã từng có chỉ đạo cho vay tín chấp đối với nông dân là 50 triệu đồng/hộ, nhưng tại sao chính quyền và ngân hàng lại dè dặt, không giải quyết để tạo thuận lợi cho nông dân vươn lên”.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiều Như Bổn đề nghị ngân hàng phải làm rõ việc nâng mức vay; việc cho vay tín chấp theo hình thức “đỡ đầu” của các tổ chức, có cần thiết phải giữ sổ đỏ của người dân với phương châm là “giữ hộ sổ đỏ” không. Đặc biệt là quy định khi được vay tiền, nông dân phải mua bảo hiểm, thủ tục quá rườm rà. Và, để tránh xảy ra những trường hợp người vay bị nhũng nhiễu, hệ thống ngân hàng nên thành lập và công khai đường dây nóng để kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc cho nông dân.

Bên cạnh đó, đại diện nhiều doanh nghiệp và HTX đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Thuận sớm có biện pháp để hỗ trợ khách hàng được vay vốn theo Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tiếp thu những ý kiến, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Thuận Hồ Chu Vân cho biết, Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ là một chính sách đồng bộ, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp ở Ninh Thuận. Mục tiêu cho vay là dựa vào phương án kinh doanh có hiệu quả hay không chứ không phải nhìn vào tài sản để cho vay. Các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có “khẩu vị” đánh giá chất lượng dự án khác nhau, do đó, người vay không nên nghĩ rằng dự án của mình không được một ngân hàng nào đó chấp thuận là chấm hết, vì còn nhiều ngân hàng khác có thể chấp thuận và cho vay vốn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam thẳng thắn, vốn tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn là rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Toàn tỉnh có 70% nông dân gắn với nông nghiệp nông thôn. Trong thời gian qua, tỉnh ban hành năm chính sách, Trung ương ban hành 20 chính sách để hỗ trợ nông dân. Trong năm 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ ban hành nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn, do đó, cả hệ thống chính trị đang tập trung nhiều giải pháp để khơi thông những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn trong tín dụng. Với tinh thần trách nhiệm và cầu thị, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phải làm sao đó để người vay đến đúng chỗ, đúng nơi cần đến, được giải quyết nhanh, gọn và thỏa mãn, không nên “đánh võng” làm khó người vay. Đừng cản trở sức sản xuất của người dân mà cần phải giải phóng sức sản xuất đó.

“Ngay từ bây giờ, chính quyền, các tổ chức tín dụng, sở, ngành có liên quan cần chủ động, quyết liệt và trách nhiệm với người vay; cần hiểu cụ thể các chính sách để giúp tháo gỡ cho người dân; giải quyết vướng mắc ngay tại địa phương, để mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn đạt được mục tiêu đề ra”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nói.

Tại hội nghị, ba chi nhánh ngân hàng tại Ninh Thuận, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Nam Á đã ký kết hỗ trợ vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn với 16 doanh nghiệp, HTX và chủ trang trại với tổng vốn vay hơn 33 tỷ đồng.

NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38651102-tang-k%C3%A9t-n%C3%B3i-trong-ph%C3%A1t-tri%E1%BA%BBn-nong-nghi%E1%BA%B9p-nong-thon-o-ninh-thuan.html