Tăng khả năng chống chịu cho vùng ven biển

Cuối tháng 12/2019, Bộ NN&PTNT đã triển khai dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR). Dự án thực hiện tại 8 tỉnh ven biển Bắc Bộ, từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế. Đây đều là những tỉnh có đường bờ biển dài, dễ bị tổn thương nhất đối với các sự kiện khí hậu.

Người dân xã Hải Tiến (TP Móng Cái) tham gia trồng rừng ngập mặn thí điểm tại Dự án FMCR.

Dự án FMCR do Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 21/4/2017. Dự án có tổng kinh phí 195 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới 150 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 45 triệu USD.

Trong 8 tỉnh thuộc phạm vi triển khai dự án, Quảng Ninh là địa phương có diện tích trồng rừng ven biển lớn nhất, với tổng mức đầu tư gần 32 triệu USD, được thực hiện trên 45 địa bàn xã, phường thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố: Quảng Yên, Hạ Long, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái và Cẩm Phả. Mục tiêu chính của dự án tại Quảng Ninh là trồng mới 1.804ha và phục hồi, nâng cấp rừng chất lượng kém cho gần 3.700ha rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn; bảo vệ gần 20.000ha rừng; 13.500 mốc được đóng mốc ranh giới trên thực địa tại rừng phòng hộ ven biển theo các chủ rừng được giao, đảm bảo ổn định lâm phận, ranh giới giữa rừng phòng hộ và các loại đất khác; khoảng 100 cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp thông qua việc tham gia bảo vệ, trồng và phục hồi rừng ven biển, rừng ngập mặn để tăng thu nhập và cải thiện sinh kế…

Quá trình thực hiện dự án được chia thành 4 hợp phần: Quản lý hiệu quả rừng ven biển; phục hồi và phát triển rừng ven biển; tạo lợi ích bền vững từ rừng ven biển; quản lý, giám sát và đánh giá dự án. Trong đó các tỉnh sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai hợp phần 2, 3 và 4. Tại Quảng Ninh, ngay sau khi khởi động dự án, Ban Quản lý dự án FMCR (Sở NN&PTNT) đã tổ chức trồng rừng ngập mặn thí điểm tại xã Hải Tiến (TP Móng Cái) với tổng diện tích gần 96ha, hiện cây sinh trưởng và phát triển rất tốt với tỷ lệ sống đạt trên 90%. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT tại cuộc họp rà soát tiến độ của dự án vào cuối tháng 4/2021, Quảng Ninh đang là địa phương dẫn đầu trong 8 tỉnh thành về việc hoàn thành trồng thí điểm, trong khi các địa phương khác trong năm 2021 mới triển khai nội dung này.

Hiện diện tích rừng ngập mặn trồng thí điểm tại xã Hải Tiến sinh trưởng tốt và tỷ lệ sống đạt trên 90%.

Với quyết tâm đưa dự án hoàn thành vào năm 2023 theo đúng kế hoạch, trong năm 2021, Ban Quản lý dự án FMCRT sẽ tập trung triển khai các nội dung chính của hợp phần 2, 3. Trong đó với hợp phần 2 dự kiến đến quý IV/2021 sẽ tập trung hoàn thành đóng mốc giới các đơn vị chủ rừng ven biển với khối lượng khoảng 11.000 mốc; điều tra lập địa, rà soát mặt bằng để trồng 1.200ha rừng (đạt 50% khối lượng toàn dự án); khảo sát, thiết kế và thi công các công trình phụ trợ phục vụ cho công tác bảo vệ rừng ven biển; tổ chức 17 lớp tập huấn về kỹ thuật giám sát, kỹ thuật phục hồi và kỹ thuật quản lý rừng bền vững…

Đối với nội dung tạo lợi ích bền vững từ rừng ven biển (hợp phần 3), Ban Quản lý dự án FMCR cũng đã phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn danh mục các gói thầu, thành lập tổ công tác để thực hiện hỗ trợ, tư vấn cho người dân tham gia vào tổ công tác cộng đồng những mô hình phát triển sinh kế. Dự kiến trước ngày 30/6 sẽ xác định và lựa chọn xong nhà thầu tư vấn của 63 gói đầu tư tạo lợi ích từ rừng ven biển để trình UBND tỉnh phê duyệt (gồm 44 gói đầu tư sinh kế, 13 gói hỗ trợ công nghiệp sản xuất và 6 gói cơ sở hạ tầng); lựa chọn các nhà thầu triển khai thực hiện 3 gói đầu tư thí điểm, hoàn thành, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bàn giao sử dụng trước ngày 31/12/2021.

Ông Bùi Xuân Hiển, Giám đốc Ban Quản lý dự án FMCR, khẳng định: Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, việc Quảng Ninh thực hiện thành công dự án sẽ góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của quốc gia bởi cùng với Hải Phòng, hiện Quảng Ninh là khu vực phát triển kinh tế trọng điểm phía Bắc. Quan trọng hơn cả, việc cải thiện, phục hồi rừng trên địa bàn tỉnh còn góp phần bảo vệ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ven biển hiện tại và quy hoạch trong tương lai, tăng thu nhập bền vững cho người dân và nâng cao tính chống chịu trước các yếu tố bất lợi của thời tiết. Do đó, Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, quyết liệt triển khai, thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt, đúng quy định của nhà tài trợ. Tuy nhiên, với tính nhân văn và lợi ích chính mang lại cho cộng đồng, việc triển khai dự án cần có sự vào cuộc, chung tay của tất cả các địa phương để đảm bảo dự án có hiệu quả bền vững.

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202105/tang-kha-nang-chong-chiu-cho-vung-ven-bien-2531756/