Tăng khung giờ làm thêm – 'Phải hỏi người lao động, chứ không thể nói thay họ!'

Về đề xuất mở rộng khung thời gian làm thêm tối đa trong năm, có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đối nghịch từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, đã thẳng thắn đưa ra quan điểm của ông trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo điện tử Người Đưa Tin về vấn đề đang 'nóng' này.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề xuất "Mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt, từ tối đa 300 giờ lên 400 - 500 giờ mỗi năm"? Tức là tăng số giờ làm thêm tối đa, so với quy định hiện hành?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn: Tôi cho rằng những người tham gia soạn thảo chính sách cần lắng nghe ý kiến, đáp ứng nguyện vọng của người lao động. Chứ không thể cứ mang vai trò “bảo vệ người lao động” để không cho tăng giờ làm thêm. Cần phải để họ tự nói ra, rằng nhu cầu tăng giờ làm thêm của họ là có hay không? Chứ không thể nói thay ý kiến của họ được và đừng mang ý chí của riêng mình ra, nhân danh bảo vệ họ, để không cho họ làm thêm giờ. Trong khi, thực tế hiện nay, họ vẫn đang làm thêm ngoài giờ đến 800 giờ rồi.

Số liệu này ông căn cứ từ nguồn nào?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn: Theo Báo cáo tổng kết đánh giá 3 năm thi hành Bộ luật Lao động 2012 của bộ Lao động –Thương binh & Xã hội, tình trạng doanh nghiệp tổ chức làm thêm quá số giờ quy định đã và đang diễn ra phổ biến trong các ngành nghề như may mặc, chế biến thủy sản, gia công hàng xuất khẩu.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Bình Phước, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Dương… còn tổ chức làm thêm giờ vượt quá gấp 2, gấp 3 hoặc gấp 4 lần số giờ làm thêm ngoài giờ, mà luật hiện hành cho phép. Có nơi, người lao động làm việc liên tục từ 10 - 12 giờ/ngày trong thời gian dài.

Qua theo dõi, khảo sát ở các địa phương thì rất nhiều người lao động cũng mong muốn được làm thêm giờ để nâng cao thu nhập. Đó là thực tế.

Nhưng với quy định như hiện nay, thì khi làm thêm giờ, người lao động không được bảo vệ bởi pháp luật như lương không được tăng theo hệ số với giờ làm thêm, không đảm bảo về an toàn lao động, không đảm bảo về sức khỏe… Nên nay nếu quy định tăng giờ làm thêm như thực tế với nhiều người lao động - được đưa vào luật, thì sẽ rõ ràng hơn, người lao động sẽ được bảo vệ và các chủ lao động sẽ phải tuân theo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện tim Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện tim Hà Nội

Tức là ông ủng hộ tăng khung giờ làm thêm so với quy định hiện hành?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn: Vâng, tôi ủng hộ tăng giờ.

Vấn đề là cần phải hỏi người lao động, nói bằng tiếng nói người lao động, chứ không thể nói thay người lao động. Chứ ý tưởng tự cho rằng để bảo vệ người lao động mà không cho họ làm thêm, thì không đúng, không hợp lý. Mà phải xác định và hiểu được “Người lao động cần gì?”.

Thế còn việc làm thêm giờ trong ngành y của ông thì sao?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn: Người làm trong ngành y của tôi thì làm thêm giờ trung bình 1000 - 1200 giờ mỗi năm, tối thiểu họ làm thêm giờ là 800 giờ/ năm, có người làm thêm đến 2.000 giờ. Nhưng đãi ngộ thì cực kỳ thấp.

Ví dụ, làm 24 tiếng đồng hồ liên tục, mà chỉ được hưởng 95.000 đồng ở bệnh viện loại II, 115.000 đồng ở bệnh viện loại I. Điều đó cho thấy xã hội chưa công bằng với ngành y tế. Tuy rằng, những người làm trong ngành y không than phiền vì đó là ngành, là nghề họ đã chọn lựa: phục vụ người bệnh, người ốm. Nhưng pháp luật nên quan tâm đến sức khỏe của họ, để họ có thể tái tạo sức lao động – bằng cách là pháp luật cần quy định mức tiền trực, tiền trợ cấp cho họ cao hơn.

Cần sòng phẳng hơn, đừng để họ thiệt thòi quá.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Quốc (thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tang-khung-gio-lam-them-phai-hoi-nguoi-lao-dong-chu-khong-the-noi-thay-ho-a445745.html