Tăng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên, ngăn đường hư hỏng sớm

Việc tăng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên giúp sửa chữa kịp thời các hư hỏng mặt đường phát sinh, tránh lan rộng và gây tốn kém thêm tiền của...

Nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hạn hẹp nên các đơn vị chỉ dành thực hiện một số hạng mục đơn giản như bảo dưỡng mặt đường, bạt lề đường, cắt cỏ, quét đường (Ảnh minh họa)

Nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hạn hẹp nên các đơn vị chỉ dành thực hiện một số hạng mục đơn giản như bảo dưỡng mặt đường, bạt lề đường, cắt cỏ, quét đường (Ảnh minh họa)

Kinh phí thấp, chỉ đủ bạt lề, cắt cỏ

Chia sẻ về công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ hiện nay ở địa phương, ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho rằng, việc này đơn giản chỉ làm một số nội dung như: Bảo dưỡng mặt đường, bạt lề đường, cắt cỏ, quét đường. Việc tuần đường, đếm xe, quản lý hành lang an toàn đường bộ bị cắt giảm nhiều.

“Do nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hạn hẹp, chỉ khoảng 50 triệu đồng/km/năm nên việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán rất thiếu. Một số hạng mục như: Đắp phụ nền, lề đường; sửa chữa rãnh đá xây; bổ sung nắp rãnh bê tông, nắp hố ga; thay thế, bổ sung cột đỡ, biển báo hiệu không thực hiện được”, ông Hạnh cho biết.

Cũng theo ông Hạnh, việc tăng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên để làm thêm các hạng mục công việc trên sẽ đảm bảo chất lượng đường tốt hơn, vì khi đó sẽ ngăn ngừa được sớm hư hỏng.

Cụ thể hơn, ông Đỗ Nhân Nghĩa, Phó giám đốc Sở GTVT Yên Bái cũng cho rằng, kinh phí hiện nay dành cho công tác bảo dưỡng thường xuyên là 50 triệu đồng/km/năm. Tuy nhiên, tiêu chí nghiệm thu lại được đánh giá theo chất lượng thực hiện. Trong khi, để đáp ứng yêu cầu 100%, mức kinh phí cần khoảng 120 triệu đồng/km/năm. Do đó, tiêu chí đánh giá theo chất lượng thực sẽ rất khó.

“Cần phải xây dựng tiêu chí phù hợp theo nhu cầu vốn. Nếu chưa đủ điều kiện kinh phí tăng lên 120 triệu đồng/km/năm cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, trước mắt tăng lên 70 triệu đồng/km/năm. Bên cạnh đó, cần tăng thời hạn đấu thầu gói thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ từ 3 năm lên 5 năm để nhà thầu ổn định, mua sắm, hiện đại hóa máy móc, thiết bị”, ông Nghĩa đề xuất.

Thừa nhận điều này, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý, Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, giai đoạn năm 2018 - 2020, kinh phí bảo dưỡng thường xuyên được cấp ở mức 50 triệu đồng/km/năm, bao gồm cả việc sửa chữa ngay hư hỏng nhỏ mặt đường. Giai đoạn này có 116 gói thầu bảo dưỡng thường xuyên được đấu thầu rộng rãi trong 3 năm. Trong đó, có 20 gói thầu được đấu thầu qua mạng.

Ông Điệp cũng cho biết, quá trình thực hiện hợp đồng, nhiều nhà thầu chưa thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến phải giảm trừ kinh phí. Nguyên nhân là do mức vốn mới cho phép bình quân 50 triệu đồng/km/năm, trong khi nếu tính đầy đủ các tiêu chí thì bình quân kinh phí cho bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ cần đến 120 triệu đồng/km/năm. Do khống chế ở mức 50 triệu đồng/km/năm nên khi duyệt phải giảm bớt khối lượng.

Đường bộ là tài sản quốc gia, cần bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên

Từ thực tế trên, ông Lê Hồng Điệp cho rằng, trên cơ sở kiến nghị của các Cục Quản lý đường bộ và các sở GTVT, Tổng cục Đường bộ VN kiến nghị Bộ GTVT tăng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên đường bộ lên mức từ 65 - 95 triệu đồng/km/năm tùy theo từng loại đường, cấp đường và theo địa hình đồng bằng, miền núi. Tổng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên toàn bộ trên 24.000km quốc lộ, 3 tuyến cao tốc vào khoảng trên 2.000 tỷ đồng, tăng trên 400 tỷ đồng so với năm 2020.

Chủ trương của Bộ GTVT là cố gắng đối với những con đường hiện hữu sẽ tập trung nâng cấp hệ thống mặt đường, hệ thống ATGT và sẽ hạn chế việc mở rộng, cắt cua. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn phải đưa thêm vào một số tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí đặc thù vùng miền, phân ra các mô hình về bảo dưỡng thường xuyên để bố trí nguồn vốn bảo trì đường bộ phù hợp nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường. Thậm chí đối với việc lựa chọn nhà thầu cũng phải xem xét yếu tố vùng miền, ưu tiên nhà thầu có kinh nghiệm tại địa phương đảm bảo tính kịp thời.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Theo ông Điệp, khi tăng kinh phí, toàn bộ gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng đấu thầu quốc gia. Hợp đồng sẽ được thực hiện dựa trên chất lượng thực hiện (PBC) theo đúng quy định tại Thông tư 48/2019 của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, nhà thầu sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cao về thiết bị, công nghệ để bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.

“Trước đây, trong hồ sơ mời thầu buộc nhà thầu làm nhiều nhiệm vụ với toàn bộ yêu cầu về chất lượng nhưng mức vốn dự toán giao chưa tương ứng với nhiệm vụ thực hiện”, ông Điệp nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, trong bảo trì đường bộ có kinh phí cho sửa chữa lớn, sửa chữa định kỳ và sửa chữa thường xuyên.

“Cần tính toán tỷ lệ vốn như thế nào trong cơ cấu này cho hợp lý. Cần coi trọng sửa chữa thường xuyên và phải được làm liên tục đảm bảo cho tuyến đường êm thuận, đảm bảo an toàn nên cần được ưu tiên vốn”, Thứ trưởng Thọ nói.

Cũng theo Thứ trưởng Thọ, việc phân bổ vốn bảo dưỡng thường xuyên cần lưu ý tùy theo tính chất nhu cầu, mục tiêu, không phân bổ đồng đều giữa các vùng miền.

Những hạng mục trong chi bảo dưỡng thường xuyên cũng cần xem lại, chỉ chi những hạng mục thật cần thiết để nâng hiệu quả đồng vốn. Đường bộ là tài sản vô giá của quốc gia, việc bảo trì, bảo dưỡng phải thường xuyên, liên tục mới giữ được chất lượng”, Thứ trưởng Thọ nói.

Tổng số kinh phí dành cho bảo trì đường bộ được cấp cho Tổng cục Đường bộ hàng năm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Với định mức 50 triệu đồng/km/năm, chi phí cho công tác bảo dưỡng thường xuyên cho hơn 24.000km đường quốc lộ là hơn 1.200 tỷ đồng. Số tiền còn lại trong tổng số kinh phí bảo trì được dành cho công tác sửa chữa, trong đó có sửa chữa định kỳ, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tang-kinh-phi-bao-duong-thuong-xuyen-ngan-duong-hu-hong-som-d487591.html