Tăng lương tối thiểu vùng: Người mừng, kẻ lo

Việc tăng lương tối thiểu vùng được cho là sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Thế nhưng, chủ sử dụng lao động cho rằng, tăng lương là tăng áp lực lên doanh nghiệp, họ sẽ phải 'đau đầu' để cân đối các khoản chi phí.

Dự báo mức lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu

Dự báo mức lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Tại dự thảo, cơ quan này đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng, mức tăng này áp dụng từ ngày 1/1/2020.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng nhằm cải thiện đời sống cho người lao động. Theo các kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tiền lương luôn là vấn đề gây bức xúc đối với người lao động. Trong đó, nhiều công nhân lao động cho rằng, mức lương hiện nay còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, 88% công nhân phải đi làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Tại phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho hay, theo khảo sát của bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia, với mức tăng bình quân 5,3% năm 2019, lương tối thiểu đã đáp ứng được khoảng 95% nhu cầu sống tối thiểu.

Thông thường đại diện cho người lao động bao giờ cũng mong muốn cải thiện đời sống cho người lao động nên các mức đề xuất thường lạc quan hơn. Về phía đại diện người sử dụng lao động, bên cạnh việc mong muốn cải thiện đời sống của người lao động, họ còn mong muốn có dư địa để doanh nghiệp phát triển.

Không đồng tình với việc tăng lương tối thiểu vùng 2020, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tăng lương tối thiểu làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Chi phí này không chỉ đến từ việc tăng lương và các khoản phụ cấp, đóng góp khác.

Theo tính toán của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, việc tăng lương tối thiểu với các chính sách liên quan cộng hưởng làm tăng chi phí của doanh nghiệp khá đáng kể.

Cụ thể, tăng lương tối thiểu vùng làm tăng chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn. Mỗi lần tăng lương tối thiểu, bên cạnh việc tăng chi phí, các doanh nghiệp còn phải mất rất nhiều công sức để tính toán, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho người lao động, gây tốn kém nhân lực, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Trái với mối lo của các doanh nghiệp, người lao động vẫn trong tình trạng thấp thỏm vì lương không đủ trang trải cuộc sống. Lương thấp khiến cho công nhân và gia đình họ bị mắc kẹt trong vòng đói nghèo. Mức lương không đủ sống cũng khiến người lao động buộc họ phải làm thêm giờ dẫn đến những tổn hại về sức khỏe và các mối quan hệ gia đình.

Với mức tăng bình quân 5,5%, lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ tăng từ 150.000-240.000/tháng đồng tùy theo từng vùng. So với năm 2019, vùng 1 tăng lên 4,42 triệu đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng); vùng 2 lên 3,92 triệu đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng); vùng 3 lên 3,43 triệu đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng); vùng 4 lên 3,07 triệu đồng/tháng (tăng 150.000 đồng/tháng).

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tang-luong-toi-thieu-vung-nguoi-mung-ke-lo/821563.antd