Tăng lương và chất lượng nguồn nhân lực

Chính phủ đang trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng, dự kiến thực hiện từ ngày 1-7-2023.

Đây là sự động viên kịp thời với người lao động ở khu vực công khi mà lương cơ sở đã 3 năm nay chưa được điều chỉnh, giúp nhiều người vơi bớt khó khăn, nhất là trong bối cảnh giá cả biến động. Tuy nhiên, giải pháp này mới chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, về lâu dài cần hướng đến cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, năng suất và hiệu quả công việc.

Người lao động mong sớm được tăng lương để cải thiện cuộc sống. Ảnh minh họa:laodongthudo.vn

Người lao động mong sớm được tăng lương để cải thiện cuộc sống. Ảnh minh họa:laodongthudo.vn

Hiện nay, mức thu nhập của khu vực công còn thấp, đặc biệt khi so sánh với khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Mức thu nhập là một trong những yếu tố đầu tiên người lao động cân nhắc khi lựa chọn công việc, tiếp đến là môi trường làm việc, cơ hội được thể hiện khả năng, tạo động lực cho sáng tạo, cống hiến... Xét trên những yếu tố này thì khu vực tư nhân đang có những lợi thế nhất định. Từ đó có thể giải thích một phần cho hiện tượng số lượng không nhỏ người lao động dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, trong đó có cả lao động lành nghề, chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập và trực tiếp tác động đến chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân, xã hội.

Việc tăng lương cơ sở theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Nội vụ là tiệm cận với cải cách tiền lương và hợp lý trong bối cảnh thực tiễn. Đây là bước quan trọng để hướng đến thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm thích hợp. Cải cách tiền lương cũng được xem là giải pháp căn cơ, bước đột phá giúp người lao động ở khu vực công có thể sống bằng lương, được trả lương theo vị trí việc làm và kết quả thực hiện công việc. Có thể thấy, cơ chế, chính sách đãi ngộ với công chức, viên chức hiện vẫn theo các quy định có phần cứng nhắc, tiêu chí chưa được định lượng một cách rõ ràng. Do vậy, phần nào cách thức trả lương, thưởng vẫn theo hình thức "cào bằng". Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cống hiến, ý chí phấn đấu, sự tận tâm với công việc của người lao động. Để giải quyết vấn đề này có thể nghiên cứu áp dụng chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) cho khu vực công với từng vị trí việc làm cụ thể. KPI đã được sử dụng phổ biến tại nhiều doanh nghiệp thông qua công cụ đo lường, số liệu, tỷ lệ, chỉ tiêu định lượng nhằm phản ánh hiệu quả hoạt động của tổ chức, cá nhân. Dựa vào kết quả đánh giá này, người lao động được bảo đảm nguồn thu nhập tương xứng, qua đó dần cân bằng giữa khu vực công và khu vực tư, tạo sự công khai, minh bạch, bình đẳng cho thị trường lao động.

Sửa đổi chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề lớn, cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, thực hiện khoa học, hợp lý trên cơ sở nguồn lực của ngân sách nhà nước. Đi kèm với chính sách tiền lương là yêu cầu tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nếu vẫn duy trì số lượng quá đông người hưởng lương từ ngân sách trong khi kết quả làm việc không đáp ứng được yêu cầu thực tế thì không nguồn ngân sách nào đáp ứng được. Chính sách đãi ngộ và hiệu quả công việc luôn phải song hành, tạo nền tảng cho việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tang-luong-va-chat-luong-nguon-nhan-luc-709123