Tăng mạnh số ca cấp cứu dịp Tết Nguyên đán

Từ ngày 28 tháng Chạp đến ngày 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (tức 8/2), số lượng bệnh nhân cấp cứu và nhập viện tăng nhanh tại các bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội.3.409 em bé chào đời đầu năm Kỷ Hợi

Mỗi ngày, tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn duy trì trung bình từ 1.200 đến 1.400 bệnh nhân điều trị nội trú. Số bệnh nhân này được cung cấp suất ăn miễn phí trong dịp Tết.

Tại khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu hơn 200 bệnh nhân nặng/ngày, tăng 30% so với ngày thường, trong đó 50% số ca chuyển tuyến.

Các ca bệnh chủ yếu do tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp.

Trong 7 ngày Tết, mỗi ngày Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu điều trị 2-3 trường hợp ngộ độc liên quan đến rượu, thực phẩm không đảm bảo gây nhiễm khuẩn, ma túy tổng hợp… Nhiều trường hợp phải xin về vì tiên lượng sẽ tử vong.

Tại bệnh viện ngoại khoa đầu ngành - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong ba ngày, từ ngày 30 Tết đến 14 giờ ngày mùng 2 Tết, các bác sĩ của bệnh viện đã cấp cứu 213 bệnh nhân, trong đó 112 bệnh nhân bị tai nạn giao thông, sáu bệnh nhân tai nạn do pháo nổ. Số lượng bệnh nhân cấp cứu tăng cao, khiến cho cả bệnh viện phải căng mình để chữa chạy.

Bác sĩ Lê Nguyên Vũ cho biết, số ca bệnh nhân tai nạn do pháo nổ năm nay nhập viện tăng cao hơn so với mọi năm. Việc điều trị cho bệnh nhân tai nạn do pháo nổ rất khó khăn vì những bệnh nhân này sẽ tổn thương ở phần đầu cổ, mặt và tay, rất khắc phục được việc vận động.

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng thăm hỏi bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng thăm hỏi bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ, tính đến mùng 3 Tết, tổng số bệnh nhân còn lại tại các cơ sở khám, chữa bệnh là 90.274 bệnh nhân. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đã tổ chức thường trực bốn cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 40.569 bệnh nhân, nhập viện điều trị nội trú 127.119 bệnh nhân, chuyển viện 14.778 bệnh nhân, thực hiện 2.416 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 55 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân.

Tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 7.280 trường hợp, tương đương so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018. Số lượt tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 2.794 trường hợp tăng 2,7 % so với cùng ngày Tết Mậu Tuất, chuyển tuyến trên điều trị 648 trường hợp. Tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên trước khi đến bệnh viện là 21 ca, giảm tám ca (28%) so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018. Tính đến 7 giờ sáng mùng 3, sau năm ngày nghỉ Tết đã có 117 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông.

Tết Kỷ Hợi ghi nhận sự tăng đột biến số bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ, chất nổ. Trong năm ngày Tết (tính đến 7 giờ sáng ngày mùng 3 Tết), đã có 275 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại. Riêng ngày Mùng 2 Tết, ghi nhận có 18 trường hợp khám cấp cứu do pháo nổ, tăng 10 ca so với cùng ngày Tết Mậu Tuất. Bộ Y tế cũng ghi nhận ba trường hợp nhập viện do chất nổ khác, trong đó có một ca tử vong cháu trai 10 tuổi, bị bắn bằng súng tự chế tại Đồng Nai.

Ghi nhận đến sáng mùng 3 Tết đã có 3,442 ca khám, cấp cứu tai nạn do đánh nhau, 1,820 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và 11 trường hợp tử vong; có 13.955 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động trong đó 16 trường hợp tử vong.

So với Tết Mậu Tuất, số ca rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn là 556 trường hợp, giảm 7%. Trong đó, có 159 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia giảm 3% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất. Ghi nhận 132 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, không tăng so với cùng ngày Tết Mậu Tuất), chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.

Đầu xuân Kỷ Hợi, đã có 3.409 em bé chào đời khỏe mạnh tại các bệnh viện trên cả nước.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, em bé "heo vàng" đầu tiên chào đời ngay sau giờ phút giao thừa là bé Vũ Cao Hà My, nặng 3,2kg.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bé Nguyễn Đắc Nhật Minh, con sản phụ Đặng Thị Ngọc Lan tại Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã trở thành công dân đầu tiên của Hà Nội sinh tại bệnh viện này lúc 0 giờ ngày mùng 1 Tết Kỷ Hợi. Ê-kíp trực của bác sĩ Đỗ Xuân Vinh đã tiến hành đỡ đẻ thường, giúp con chị Lan chào đời khỏe mạnh, nặng 3.700 gram.

Em bé đầu tiên chào đời năm Kỷ Hợi tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là một bé trai nặng 3,2 kg - con sản phụ Vi Thị D (31 tuổi), thường trú tại phường Mạo Khê, TX Đông Triều. Đây là một ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thực hiện thành công tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và sản phụ đã chờ tới 11 năm mới có được đứa con đầu lòng. Cùng với bé trai này, ngay thời khắc giao thừa, bệnh viện có thêm 12 em bé lần lượt chào đời.

Hoàng Hải

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201902/tang-manh-so-ca-cap-cuu-dip-tet-nguyen-dan-626442/