Tăng minh bạch, giảm tham nhũng với công nghệ Blockchain

Công nghệ blockchain nâng cao tính minh bạch giữa chính phủ, các tổ chức điều tra và cộng đồng người dân. Đó là một nội dung trong bài phân tích vừa được đăng tải trên tờ Firstpost (Ấn Độ).

Ảnh minh họa: Reuters

Công nghệ tiên tiến này được cho là có thể giúp giảm bớt tham nhũng bằng cách mang lại sự minh bạch trong hệ thống. Tuy nhiên, một số đối tượng có thể tìm ra sơ hở đánh bại công nghệ này.

Blockchain, một thuật ngữ thường khiến người ta nghĩ ngay tới thế giới tiền ảo, có thể đem đến câu trả lời cho các vấn đề của các quốc gia - nơi có các khoản tiền lớn mà chính phủ dành chi cho phúc lợi của người dân bị thất thoát do những hành vi bất hợp pháp trong hệ thống, dẫn đến tình trạng một nhóm người hưởng lợi từ các dự án được tài trợ bằng công quỹ.

Công nghệ dựa trên sự mã hóa có thể thay đổi điều đó bằng cách minh bạch dòng tiền và tạo ra một "lối đi" cho tiền. Trên thực tế, một số quốc gia đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ này.

Những lý do nào khiến các quốc gia muốn đầu tư vào một công nghệ mới để tiêu diệt tham nhũng? Đó là vì những lợi ích đã được chứng minh của blockchain.

Không giống như cơ chế giao dịch truyền thống (cách mà một người hoặc một cơ quan trung ương nắm giữ đường đi của các giao dịch), dữ liệu trên blockchain được lưu trữ trong các khối đã được mã hóa dưới sự quản lý của mạng máy tính toàn cầu phân cấp. Về cơ bản, lập trình này làm cho dữ liệu không thể thay đổi được. Tham nhũng xảy ra khi quyền lực nằm trong tay của một vài người và khi có sự thiếu trách nhiệm. Bởi vậy, một khi mọi thứ được minh bạch và không có chỗ cho sự thay đổi hồ sơ giao dịch, bất cứ ai tác động đến hệ thống đều bị phát hiện và không tránh khỏi việc bị bắt giữ.

Blockchain không chỉ nâng cao tính minh bạch giữa chính phủ, các tổ chức điều tra và công chúng mà còn tăng cường an ninh. Các hồ sơ mang tính cố định của dòng chảy công quỹ được tạo ra thông qua blockchain có thể dễ dàng được kiểm tra, kiểm toán từ bất cứ đâu, bởi bất cứ ai. Hơn thế nữa, với công nghệ blockchain, công dân sẽ biết được những gì họ đang thấy là chính xác, không phải những tin nhắn thất thiệt, có khả năng giả mạo thường lan truyền trên các kênh kỹ thuật số.

Những quốc gia như: Mỹ, Canada, Australia đã bắt đầu sử dụng công nghệ blockchain để mang lại sự minh bạch, cắt giảm tham nhũng. Đơn cử như Chính phủ Mỹ đang đánh giá khả năng sử dụng blockchain trong các ứng dụng rộng rãi khác nhau, ngay từ công tác mua sắm để theo dõi các quỹ được phân bổ hỗ trợ các liên bang và giám sát sự phân phối viện trợ của nước ngoài.

Australia cũng đang sử dụng blockchain để làm rõ ràng và giải quyết các giao dịch chứng khoán. Trong khi đó, Estonia đang tìm cách ứng dụng blockchain để hỗ trợ chương trình cư trú điện tử và thậm trí còn xem xét khả năng tạo ra đồng tiền điện tử của riêng mình.

Trong khi đó, Ấn Độ - đất nước có vẻ như đang dè dặt với blockchain, thực tế lại đang trong quá trình tạo ra tiền điện tử riêng - đồng Lakshmi - cho thấy niềm tin của Chính phủ nước này vào công nghệ blockchain.

Khi blockchain được triển khai rộng rãi, chúng ta có thể hình dung về tương lai với các hợp đồng thông minh, hợp pháp và sự minh bạch, hợp lý trong hợp tác của các ngành công nghiệp với Chính phủ. Ở đó, người ta phải chịu trách nhiệm với số tiền rút ra, hay hành vi làm rò rỉ quỹ trong quá khứ.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/tang-minh-bach-giam-tham-nhung-voi-cong-nghe-blockchain_t238c52n136287