Tăng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay học sinh sinh viên và hỗ trợ việc làm

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Thuận - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Cần Thơ - xung quanh việc triển khai chính sách này trên địa bàn thành phố.

* Xin ông cho biết những điểm mới trong chính sách cho vay các chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và cho vay học sinh sinh viên mà Chính phủ vừa điều chỉnh.

- Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có điều chỉnh một số nội dung của chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và cho vay học sinh sinh viên như sau:

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, kể từ ngày 8-11-2019.

Mức cho vay: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh), mức vay tối đa là 2 tỉ đồng/dự án (trước đây là 1 tỉ đồng/dự án) và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng). Mức vay cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

Lãi suất cho vay: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; người lao động bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo, hiện nay là 7,92%/năm (trước đây là bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo). Các trường hợp sau đây được cho vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay: Người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật; Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số; Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Thời hạn cho vay: Tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng); thời hạn cho vay cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

Điều kiện bảo đảm tiền vay: Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm và các quy định hiện hành của NHCSXH.

Đối với cho vay xuất khẩu lao động: Thay đổi phương thức cho vay. NHCSXH cho vay trực tiếp đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại trụ sở Chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh, trụ sở NHCSXH cấp huyện nơi người lao động cư trú hợp pháp.

Đối với chương trình cho vay Học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mức cho vay tối đa được áp dụng đối với các khoản giải ngân từ ngày 1-12-2019 là 2.500.000 đồng/1HSSV/1 tháng (trước đây là 1.500.000 đồng/1HSSV/1 tháng).

* Thưa ông, Chi nhánh NHCSXH thành phố đã có những bước chuẩn bị thế nào để việc áp dụng những thay đổi ở các chương trình cho vay này được diễn ra thuận lợi và kịp thời?

- Để triển khai thực hiện tốt các chương trình cho vay này, Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các Sở ngành có liên quan, các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác, UBND quận, huyện phối hợp với NHCSXH để triển khai thực hiện; đồng thời, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ từ Trung ương và nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang ủy thác cho vay, Chi nhánh đã kịp thời tham mưu Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố phân bổ vốn đến các quận, huyện để thực hiện.

* Thời gian qua, các chương trình cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và học sinh sinh viên trên địa bàn thành phố đã đạt được những hiệu quả thế nào, thưa ông?

- Trong năm 2019, Chi nhánh đã giải ngân cho 20.105 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền là 658 tỉ đồng. Tổng dư nợ đạt 2.502 tỉ đồng với 92.383 khách hàng còn dư nợ, tăng 224 tỉ đồng ( tăng 10%) so với năm 2018. Trong đó:

Chi nhánh đã giải ngân chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm cho 3.385 lao động với số tiền 143 tỉ đồng (trong đó, giải ngân cho các hộ có nhu cầu vay giải quyết việc làm để phát triển du lịch từ nguồn vốn ủy thác của thành phố cho 652 dự án, số tiền 29 tỉ đồng). Dư nợ đạt 388 tỉ đồng với 11.014 khách hàng còn dư nợ.

Giải ngân cho 1.011 học sinh sinh viên với số tiền là 36 tỉ đồng, dư nợ đạt 242 tỉ đồng với 8.951 khách hàng còn dư nợ; giải ngân cho 2 lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài với số tiền là 100 triệu đồng, dư nợ đạt 707 triệu đồng với 35 khách hàng còn dư nợ.

* Xin cảm ơn ông!

MỸ TÚ (thực hiện)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tang-muc-cho-vay-toi-da-doi-voi-chuong-trinh-cho-vay-hoc-sinh-sinh-vien-va-ho-tro-viec-lam-a116004.html