Tăng mức tiền phạt vi phạm hành chính tối đa của 10 lĩnh vực

Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Trong đó, Luật có nhiều điểm mới quan trọng, tác động trực tiếp đến người dân như: mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, bổ sung chức danh có thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt…

Tăng mức phạt tiền để tạo sức răn đe

Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều, sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 4 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC) hiện hành. Nhiều nội dung cơ bản, quan trọng của Luật XLVPHC đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn thi hành pháp luật về XLVPHC. Theo đó, Luật có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Trên cơ sở thực tiễn thi hành, mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực theo quy định hiện hành còn thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Vì thế, Luật sửa đổi đã tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như: Giao thông đường bộ; Phòng, chống tệ nạn xã hội tăng từ 40 triệu lên 75 triệu đồng; Cơ yếu, Giáo dục; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia từ 50 triệu lên 75 triệu đồng; Điện lực từ 50 triệu lên 100 triệu đồng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng; Báo chí từ 100 triệu lên 250 triệu đồng; Kinh doanh bất động sản từ 150 triệu lên 500 triệu đồng…

Bên cạnh việc tăng mức phạt tối đa trong 10 lĩnh vực, Luật XLVPHC sửa đổi cũng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong 6 lĩnh vực bao gồm: Tín ngưỡng, tôn giáo, đối ngoại mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng; Cứu nạn, cứu hộ mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng; In, an toàn thông tin mạng mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng; Sở hữu trí tuệ mức phạt tiền tối đa 250 triệu đồng…

Bên cạnh đó, quy định về mức phạt tối đa trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đã được lược bỏ vì kinh doanh theo phương thức đa cấp là một hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại đã được quy định mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng; hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội đã được quy định mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng.

Bổ sung nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC

Luật sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Chẳng hạn, bổ sung thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội trưởng Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng…

Luật sửa đổi cũng đã bổ sung thêm 8 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Cùng với đó, một số quy định liên quan đến thủ tục xử phạt VPHC để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, khả thi như quy định về lập biên bản VPHC; quy định về các trường hợp, thời hạn và thủ tục giải trình; quy định về phát hiện VPHC bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt VPHC...

Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, giảm, miễn tiền phạt tại Điều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC theo hướng bổ sung quy định tổ chức cũng được hoãn, giảm, miễn tiền phạt VPHC để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tổ chức/doanh nghiệp khi gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, các trường hợp được hoãn, giảm, miễn tiền phạt để bảo đảm phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự; quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt VPHC... bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.

Bảo Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/tang-muc-tien-phat-vi-pham-hanh-chinh-toi-da-cua-10-linh-vuc-575224.html