Tăng mức xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Dù đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có cả việc xây dựng khung pháp lý, nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn tiếp diễn. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do nhận thức của ngư dân còn hạn chế, trong khi mức xử phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe. Chính vì vậy, theo quy định mới nhất của Chính phủ, mức xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ tăng lên 800 triệu đến 1 tỉ đồng.

Theo Nghị định 42, mức xử phạt tàu cá vi phạm các quy định về khai thác thủy sản lên tới 1 tỉ đồng. Ảnh: Bích Nguyên

Theo Nghị định 42, mức xử phạt tàu cá vi phạm các quy định về khai thác thủy sản lên tới 1 tỉ đồng. Ảnh: Bích Nguyên

Các vi phạm ở quốc đảo Thái Bình Dương không còn

Sau khi bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” vào ngày 23-10-2017, đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Thực hiện các khuyến nghị của EC, Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển; thực hiện kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; giám sát việc bốc dỡ thủy sản tại cảng; kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam; thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về thủy sản... Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta vẫn chưa chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển quốc đảo Thái Bình Dương, nhưng vẫn còn xảy ra ở các vùng biển khác. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài (tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017). Trong 5 tháng đầu năm 2019 xảy ra 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm, trong đó tập trung ở các tỉnh như: Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định, Bình Thuận...

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh BĐBP, trong tháng 6-2019 xảy ra 15 vụ/25 tàu/218 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài xua đuổi, bắt giữ. Tính từ ngày 16-12-2018 đến 25-6-2019 xảy ra 64 vụ/110 tàu/775 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, bị xua đuổi, bắt giữ.

Mức xử phạt tăng lên đến 1 tỉ đồng

Kết quả kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là điều kiện tiên quyết để EC gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam trong đợt kiểm tra của Đoàn thanh tra EC vào tháng 10 tới đây. Vì vậy, để tạo sự răn đe mạnh hơn, mức xử phạt đối với tàu cá vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản đã được nâng lên tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ ngày 5-7-2019.

Theo Nghị định 42, chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn, sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng cho các trường hợp: Khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực; không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên; che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm. Bên cạnh việc phạt tiền, các tàu cá vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Mức phạt tiền từ 500 triệu đến 700 triệu đồng được áp dụng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; không trang bị thiết bị giám sát hành trình, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép.

Phạt tiền từ 300 triệu đến 500 triệu đồng nếu vi phạm lần đầu một trong các hành vi: Không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m theo quy định; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên; không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản.

Nghị định 42 cũng quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các cơ quan chức năng, trong đó có BĐBP. Cụ thể, cán bộ BĐBP từ cấp chiến sĩ tới trạm trưởng, đội trưởng được xử phạt tiền đến 2,5 triệu đồng. Đồn trưởng đồn Biên phòng (BP), Hải đội trưởng Hải đội BP, Chỉ huy trưởng Tiểu khu BP, Chỉ huy trưởng BP cửa khẩu cảng có quyền: Xử phạt tiền đến 25 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Chỉ huy trưởng BĐBP cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn BP có quyền xử phạt tiền 1 tỉ đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-muc-xu-phat-tau-ca-vi-pham-vung-bien-nuoc-ngoai/