Tăng năng lực đối phó với các nguy cơ bệnh lây từ động vật sang người

Việt Nam nằm trong khu vực điểm nóng của toàn cầu với nguy cơ xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới có nguồn gốc từ động vật và có khả năng gây đại dịch, do đó cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm thiểu các nguy cơ dịch bệnh.

Thông qua Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA) và chương trình có liên quan là EPT -2 (chương trình các mối đe dọa đại dịch mới nổi) của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID), Việt Nam đang triển khai tìm hiểu xác định các tác nhân gây bệnh tiềm tàng có nguồn gốc động vật xuất hiện trên những loài và khu vực có nguy cơ cao, từ đó có biện pháp giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch.

Các yếu tố môi trường có vai trò quan trọng đối với dịch bệnh này, do vậy, cần áp dụng phương pháp tiếp cận Một sức khỏe một cách toàn diện để hạn chế lan truyền dịch bệnh và kiểm soát dịch khi đã lây lan.

Đó là thông tin vừa được các đại biểu đưa ra bàn luận tại diễn đàn "Một sức khỏe thường niên 2018" do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức sáng nay, 12/6, tại Hà Nội.

Diễn đàn Một sức khỏe thường niên năm 2019 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức. (Ảnh: Thanh Tâm)

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các đại dịch nghiêm trọng trên người bùng phát do việc lây lan các tác nhân gây bệnh có nguồn gốc động vật tuy có xác suất xảy ra không nhiều nhưng do có khả năng gây ra tác động lớn đối với toàn xã hội (kể cả khi con đường lây truyền khá ngắn), như đã thấy ở một số khu vực khác nhau trên thế giới trong những năm gần đây như dịch SARS, MERS và dịch bệnh do virus Ebola.

“Do đó, cách tiếp cận Một sức khỏe với việc thúc đẩy hợp tác liên ngành có thể giảm thiểu tác động gây ra bởi những tình huống gây bệnh nói trên. Đồng thời cũng cần có các hệ thống được xây dựng và thử nghiệm tốt. Một hệ thống các văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) dự kiến sẽ kiện toàn các chức năng và các hoạt động vào năm 2020. Hiệu quả hoạt động của Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phụ thuộc vào các hệ thống giám sát chất lượng cao kịp thời”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh

Trong khuôn khổ Đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP), diễn đàn Một sức khỏe tổ chức thường niên cho các bộ, các đối tác trong nước và quốc tế để rà soát tiến độ của Việt Nam trong loại trừ bệnh dại, ứng phó với các chủng cúm mới, tình trạng kháng sinh và các bệnh lây truyền giữa động vật và người.

Diễn đàn lắng nghe thông tin cập nhật tổng quan từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong công tác xây dựng năng lực cho hệ thống y tế công cộng và hệ thống thú y các cấp nhằm tăng cường giám sát và chẩn đoán các dịch bệnh mới nổi ở người và động vật, dần loại bỏ bệnh dại ở người, giúp sản xuất nông nghiệp an toàn hơn, tăng cường hiệu quả sử dụng các loại kháng sinh chính trong ngành Y tế, xác định nguy cơ bùng phát các dịch bệnh mới bao gồm sự lây lan các bệnh dịch mới từ động vật hoang dã sang vật nuôi và để tăng cường các kế hoạch và hệ thống chuẩn bị ứng phó trong các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp mới.

Đối tác OHP được ra mắt vào ngày 1/3/2016 với sự tham gia ký kết của Chính phủ Việt Nam với 27 cơ quan và tổ chức trong nước và quốc tế. Các đối tác này đóng góp vào việc triển khai Kế hoạch chiến lược Một sức khỏe cho giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu chung là tăng cường năng lực của Việt Nam trong đối phó các nguy cơ bệnh lây truyền từ động vật sang người phát sinh trong mối tương tác giữa con người – động vật – môi trường.

Diễn đàn Một sức khỏe thường niên là sự kiện quan trọng hàng năm nhằm đánh giá tiến độ triển khai kế hoạch Chiến lược Một sức khỏe cho giai đoạn 2016 - 2020.

Để chuẩn bị cho diễn đàn, cuộc họp rà soát kết quả và đầu ra trọng tâm của chiến lược của các đối tác trong và ngoài nước được tổ chức vào tháng 5/2019 đã ghi nhận những thành tựu trong các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: Xây dựng các kế hoạch phối hợp hành động quốc gia nhằm ngăn chặn và kiểm soát cúm gia cầm, bệnh dại và kháng sinh trong chăn nuôi và y tế công cộng, những tiến bộ quan trọng trong năng lực giám sát y tế và thú y cấp quốc gia và các hệ thống phòng thí nghiệm, thành lập một trung tâm ứng phó sự kiện y tế công cộng khẩn cấp ở cấp trung ương và 4 trung tâm cấp khu vực.

Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các sáng kiến khu vực và thế giới bao gồm báo cáo dịch bệnh theo các điều lệ y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới, theo hệ thống thông tin thú y toàn cầu… Đánh giá chung cũng xác định một số lĩnh vực cần cải thiện và hỗ trợ nguồn lực bao gồm: Tăng tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó để đạt mục tiêu quốc gia, tăng cường sự tham gia của ngành môi trường và xác định nguồn lực cho sự phối hợp hiệu quả của Đối tác Một sức khỏe.

Thanh Tâm

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tang-nang-luc-doi-pho-voi-cac-nguy-co-benh-lay-tu-dong-vat-sang-nguoi-post28364.html