Tăng nặng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu

Nghị định số 37/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 22/7/2022 và những quy định mới trong nghị định sẽ tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh trong phòng ngừa, xử lý các vi phạm, từng bước bảo đảm tính nghiêm minh và công bằng xã hội, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Với mức xử phạt tăng mạnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển quân ở các địa phương trong năm 2023 và những năm tiếp theo. (Trong ảnh: Hội đồng NVQS phường Tích Sơn, Vĩnh Yên khám sơ tuyển sức khỏe cho thanh niên trong diện gọi nhập ngũ năm 2022). Ảnh: Trường Khanh

Siết chặt quy định tuyển quân

Những năm gần đây, việc thực hiện công tác tuyển quân ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên xảy ra tình trạng ngày càng nhiều thanh niên tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS), trong khi đó, các quy định cũ về xử phạt các hành vi vi phạm này đã không còn phù hợp.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đáng chú ý là những nội dung xử phạt liên quan đến NVQS tăng mạnh mức phạt đối với từng nhóm hành vi vi phạm. Quy định mới đã nhận được sự đồng tình của người dân.

Nghị định mới quy định phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký NVQS lần đầu; không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc theo quy định; không thực hiện đăng ký di chuyển trước khi di chuyển nơi cư trú theo quy định; không thực hiện đăng ký vào ngạch dự bị theo quy định (mức phạt cũ là từ 200 - 600 nghìn đồng).

Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ, nghị định cũ chỉ có mức phạt tối đa là 2,5 triệu đồng nhưng nghị định mới tăng khung hình phạt lên từ 30 - 75 triệu đồng đối với từng hành vi.

Cụ thể, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

Hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe NVQS đủ điều kiện nhập ngũ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.

Bổ sung quy định phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và biện pháp khắc phục là buộc người vi phạm vẫn phải thực hiện NVQS.

Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện NVQS cũng sẽ bị phạt với khung từ 10 - 35 triệu đồng đối với từng trường hợp cụ thể, trong khi ở nghị định cũ, mức phạt thấp nhất là 800 nghìn và cao nhất chỉ có 4 triệu đồng.

Ngoài việc xử phạt hành chính thì căn cứ vào hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự năm 2015, bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

Tạo sức răn đe, phòng ngừa vi phạm

Trung tá Đào Đình Thao, Phó trưởng Ban Quân lực, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Trước đây, các chế tài xử phạt hành vi vi phạm Luật NVQS vẫn còn nhẹ nên vẫn xảy ra tình trạng thanh niên cố tình trốn, tránh thực hiện NVQS theo nhiều cách khác nhau.

Thậm chí có một số trường hợp thanh niên hoặc gia đình biết rõ quy định về xử phạt nhưng vẫn sẵn sàng nộp tiền xử phạt hành chính để trốn, tránh thực hiện NVQS.

Tuy các hành vi này đều bị xử lý và áp dụng các biện pháp bắt buộc chấp hành nghiêm nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển quân của các địa phương.

Quy định mới tăng nặng mức xử phạt sẽ tạo sức răn đe và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển quân năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, đối với các hành vi vi phạm liên quan đến công trình quốc phòng (CTQP), khu quân sự (KQS) được quy định tại Nghị định 37 cũng cụ thể hơn và tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính, bổ sung nhiều điểm mới.

Theo đó, hành vi cố ý đi lại trong khu vực cấm của CTQP, KQS khi không được phép của cấp có thẩm quyền bị phạt tối đa là 8 triệu đồng; phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh trái phép trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của CTQP.

Đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ khu vực cấm của CTQP, KQS khi không được phép của cấp có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng; thu nhập thông tin về vị trí, tác dụng, kết cấu, ghi chép các số liệu có liên quan đến CTQP, KQS không đúng chức trách, nhiệm vụ hoặc không được phép của cấp có thẩm quyền bị xử phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Hiện nay, các cấp, ngành đang tích cực tuyên truyền, quán triệt, phổ biến đến toàn dân để Nghị định số 37 được thực thi có hiệu quả. Trong đó, cần chú trọng đổi mới nhiều hình thức tuyên truyền, lồng ghép vào các hoạt động phong trào, nhất là các hội thi sân khấu hóa ở các địa phương nhằm nâng cao nhận thức về quốc phòng an ninh và xây dựng nền quốc phòng vững mạnh trong toàn dân.

Bình Duyên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/81855/tang-nang-muc-xu-phat-vi-pham-trong-linh-vuc-quoc-phong-co-yeu.html