Tăng năng suất lao động: Giải pháp nào?

Đại biểu Quốc hội đề xuất xem xét sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia và quyết tâm hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để thúc đẩy năng suất lao động…

Chiều 28/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách Nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.

Bổ sung mục tiêu cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) cho rằng, chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là một nội dung quan trọng. Trong 15 chỉ tiêu kế hoạch ước thực hiện năm 2022, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt, thậm chí thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2021 (chỉ tiêu tăng năng suất lao động dự kiến chỉ đạt 4,7-5,2% thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra). Trong báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ nguyên nhân không đạt chỉ tiêu này. Do vậy, đề nghị bổ sung báo cáo vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) cho rằng, chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là một nội dung quan trọng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) cho rằng, chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là một nội dung quan trọng

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đây là một chỉ tiêu quan trọng mà nhìn vào đó chúng ta có thể đánh giá được hiệu suất làm việc của lao động. Đó là yếu tố cơ bản, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Việc chỉ tiêu này không đạt chứng tỏ chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp và ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt.

Đồng tình với hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã nêu, tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, những giải pháp này chỉ mang tính tổng thể, an toàn, chưa có tính đột phá. Xuất phát từ kết quả thực tế năm 2022 và mục tiêu năm 2023, so sánh với hệ thống nhiệm vụ, giải pháp của năm 2022, năm 2021 và một số năm trước đó thì không có sự khác biệt nhiều. Bởi vậy, đề nghị Chính phủ rà soát và xem xét, bổ sung vào mục tiêu tổng quát thêm một mục tiêu là cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội.

Cùng với đó, đại biểu cũng nhấn mạnh các giải pháp đặc biệt nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng lao động, nâng cao kỷ luật, kỷ cương lao động, nâng cao năng lực tư duy của lao động để theo kịp với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật và gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động xã hội.

Thúc đẩy năng suất lao động

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình) cũng băn khoăn về nghịch lý đang diễn ra với năng suất lao động và thị trường lao động là vì sao năng suất lao động chưa cao trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng tăng; bài toán chênh lệch cung cầu, vừa thừa vừa thiếu lao động, làm thế nào để thích ứng với thị trường lao động theo xu hướng chuyển đổi số, cơ cấu ngành nghề và các cơ hội việc làm mới hậu Covid-19.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình) phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Chỉ rõ nguyên nhân của sự chênh lệch về cung cầu lao động và năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là do quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn khả năng chuyển dịch của nguồn cung lao động. Thứ hai, do sự chênh lệch giữa ngành nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường, các ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics là những ngành thu hút FDI lớn, tạo giá trị gia tăng cao song tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở mức 20%-25% và năng suất lao động lại thấp hơn nhiều ngành có giá trị gia tăng thấp như khai khoáng, điện, nước, bất động sản.

Trước thực tế đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị xem xét sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia và quyết tâm hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để có thể triển khai thành công các chỉ đạo, chính sách thúc đẩy năng suất lao động của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy phong trào tăng năng suất lao động, kết nối hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương. Ủy ban Năng suất Quốc gia sẽ hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia, thực hiện nhiệm vụ điều phối phối hợp các cái động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam.

Đồng thời đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm phù hợp với hình thái việc làm, nghề nghiệp mới, quan hệ lao động mới. Ngoài ra, việc vận hành hiệu quả Hội đồng tiền lương quốc gia cũng sẽ góp phần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường, thu hút nhân được chất lượng cao.

Đề cập đến vấn đề tăng tính công khai, minh bạch thông tin, dữ liệu về năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề xuất sớm hoàn thiện thống kê, công bố đầy đủ, minh bạch hơn về các chỉ tiêu năng suất lao động của các địa phương, ngành, lĩnh vực và các loại hình doanh nghiệp để hoàn thiện bức tranh tổng thể về năng suất lao động.

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-nang-suat-lao-dong-giai-phap-nao.html