Tăng năng suất lao động: Vấn đề là làm cái gì chứ không phải làm như thế nào!

Phải căn cứ giá trị người lao động làm ra để đánh giá năng suất lao động và việc tăng năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay phải đặt ra vấn đề là làm cái gì, chứ không phải làm như thế nào.

Ngày 26-9, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với sự hỗ trợ của Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) đã tổ chức Đối thoại chính sách “Tăng năng suất lao động cho Việt Nam”.

Viện trưởng VEPR, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, năng suất lao động (NSLĐ) phải tăng lên thì đời sống người dân mới được cải thiện. Nhiều nước tăng trưởng năng suất lao động liên tục hơn 10%/năm, thì mới có khả năng bứt ra khỏi được tình trạng nghèo đói.

Vì vậy, các nước đều xem tăng NSLĐ như một vấn đề trọng tâm trong cải cách và phải có thể chế để thực hiện.

TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, NSLĐ của Việt Nam g có nguy cơ không theo kịp các nước

Nhưng từ trước đến nay, ông Thành cho hay, ngay cả khi đã đổi mới, NSLĐ của Việt Nam vẫn không cao, thậm chí đang có nguy cơ không theo kịp các nước, ngay trong nhóm 4 nước Lào, Myanmar, Campuchia. Nhìn ở các nước Đông Bắc Á và Singapore có thay đổi nhanh và thành công đều có 1 giai đoạn tăng trưởng nhanh (liên tục khoảng 10%/năm), trong đó NSLĐ là cốt lõi.

Năm 2017, NSLĐ của Việt Nam gấp 2 lần NSLĐ trung bình của nhóm có thu nhập thấp, bằng hơn 50% của nhóm nước thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm nước trung bình cao. Cụ thể, NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017. Trong giai đoạn từ 2006-2017, thì mức tăng trưởng cao nhất là năm 2015 với tốc độ 6,49%.

So với các nước Đông bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia), năm 2015, NSLĐ ngành của Việt Nam hầu hết ở mức gần hoặc thấp nhất.

Trong đó, NSLĐ của Việt Nam thấp nhất sau Campuchia (ở ba ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, vận tải, kho bãi, truyền thông), thấp thứ hai, chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành nông nghiệp; điện nước, khí đốt; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa.

Ngược lại Việt Nam lại có NSLĐ cao hơn nhiều quốc gia trong 3 nhóm ngành: khai mỏ và khai khoáng; tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.

Các chuyên gia kinh tế bàn về tăng năng suất lao động

Nghiên cứu từ số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế vẫn duy trì NSLĐ ở mức cao là ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện khí, nước nóng; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn KH&CN, kinh doanh bất động sản, cung cấp nước. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có NSLĐ chưa cao; ngành nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn thuộc các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.

Đáng quan tâm, Viện trưởng VEPR cho rằng, NSLĐ ở khu vực nhà nước cao nhưng không phải do hiệu quả cao mà chủ yếu do các DN thâm dụng vốn lớn, do tính độc quyền, đặc thù của ngành, chứ không phải do cải thiện được năng suất lao động.

TS Nguyễn Đình Ánh, chuyên gia tài chính, kinh tế lại cho rằng, NSLĐ của người Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới, nếu trong cùng điều kiện làm việc. Vì theo chuyên gia này, NSLĐ phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, kỹ năng và điều kiện lao động.

Ví dụ, một điều dưỡng viên Việt Nam làm tại Việt Nam có lương 7 triệu đồng/tháng, nhưng nếu cũng làm công việc này tại Nhật với cường độ nhẹ nhàng hơn nhưng lương được hưởng là 70 triệu/tháng vì ở Nhật có nhiều máy móc hiện đại hỗ trợ.

Hay một kỹ sư một ngày lắp được 2 chiếc xe Kia Mornong, bán ra thị trường 350 triệu đồng/chiếc, nhưng cũng trong 1 ngày, người kỹ sư khác lắp xong 1 xe Merceder, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Vậy, người lắp ráp xe Kia Morning được đánh giá năng suất thấp hơn người lắp ráp 1 chiếc Mescerdes.

Ông Ánh khẳng định, phải căn cứ giá trị người lao động làm ra để đánh giá NSLĐ và việc tăng NSLĐ ở Việt Nam hiện nay phải đặt ra vấn đề là làm cái gì, chứ không phải là làm như thế nào.

Cũng theo ông Ánh, đánh giá công nghiệp khai khoáng (chỉ cần 1 số lượng công nhân nhỏ đào tài nguyên lên và bán) có NSLĐ cao nhất là không phù hợp, hay DNNN được đánh giá có NSLĐ nhưng là do giữ nhiều nguồn lực lớn, đầu tư nhiều vốn nên không thể so sánh DNNN với DNTN mà phải so sánh giữa các DNNN với nhau…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tang-nang-suat-lao-dong-van-de-lam-lam-cai-gi-chu-khong-phai-lam-nhu-the-nao-122875.html